Tài chính - Ngân hàng

Phó Thống đốc NHNN: Lợi nhuận ngân hàng BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank phải giảm 40%

Phó Thống đốc nêu ví dụ "Vietcombank năm ngoái đạt khoảng 22.000 tỷ tiền lãi thì năm nay phải giảm 30-40%, tức đóng góp ít nhất 8.000 tỷ dành cho vấn đề hạ lãi suất". 

Tại cuộc họp mới đây giữa Thủ tướng với lãnh đạo các Bộ ngành, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết "những ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm khoảng 40% lợi nhuận.

Ví dụ Vietcombank năm ngoái đạt khoảng 22.000 tỷ tiền lãi thì năm nay phải giảm 30-40%, tức đóng góp ít nhất 8.000 tỷ dành cho vấn đề hạ lãi suất". 

Trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, thông qua mở rộng gói chính sách tiền tệ từ 185.000 tỷ đồng lên 300.000 tỷ đồng.

Trên thực tế, 4 ngân hàng thương mại nhà nước cũng đang là những ngân hàng tham gia tích cực nhất vào gói tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Ngân hàng BIDV đã tung gói tín dụng tới 50.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng Covid-19.

Tại cuộc họp với NHNN hôm 31/3, 4 "ông lớn" Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đã cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%/năm. Và ngay sau đó đã công bố chính thức các gói hỗ trợ lớn với lãi suất thấp. 

Trong đó, Agribank dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Chương trình áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ 1/4 đến thời điểm sau 3 tháng từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng. Lãi suất cho vay thấp hơn 1% (đối với đồng Việt Nam) và thấp hơn 0,5% (đối với ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.

VietinBank cũng công bố chương trình tín dụng quy mô 60.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2%/năm. Trước đó, ngân hàng này giảm từ 0,5% đến 1,5% lãi suất tùy theo khách hàng và tùy từng mục đích vay vốn cho gần 3.000 khách hàng với số tiền giải ngân khoảng 60.000 tỷ đồng, trong giai đoạn dịch Covid-19. Ngân hàng đã cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ khoảng 350 khách hàng với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng, chiếm 2% dư nợ.

Tại Vietcombank, Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành cho biết ngân hàng này sẽ có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2-2,5% so với mặt bằng hiện nay. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ được giảm tới 2,5% một năm và được hưởng mức lãi suất chỉ 4,5 - 5%/năm.

Ngân hàng cũng tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất 1-1,5% đối với dư nợ hiện hữu (từ hạn 30/4 chuyển sang đến 30/9). Lợi nhuận của Vietcombank ước tính giảm 300 tỷ đồng vì chính sách này.

Mới đây, BIDV cũng đã tung gói tín dụng tới 50.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng Covid-19. Trong đó, gói cho vay vốn trung và dài hạn với quy mô 20.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 7,3%/năm, triển khai từ nay đến 30/09/2020 (hoặc đến hết quy mô gói), nhằm đáp ứng nhu cầu mua nhà, xe ô tô hay sản xuất kinh doanh của khách hàng cá nhân.

Trước đó BIDV cũng đưa ra gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, triển khai từ đầu tháng 4 đến 31/07/2020 hoặc đến khi hết quy mô gói. Đối tượng áp dụng là các khách hàng cá nhân phục vụ sản xuất kinh doanh có các khoản vay giải ngân mới sau 30/3/2020. 

Với doanh nghiệp, BIDV cũng các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có nhu cầu vay mới với lãi suất giảm 2% so với lãi suất cho vay cùng loại ngày 31/12/2019.

Trong 4 ngân hàng này, hiện mới chỉ BIDV đã tổ chức xong ĐHĐCĐ với mục tiêu lợi nhuận trình lên cổ đông là 12.500 tỷ đồng, tăng khoảng 16% (trong kỳ vọng dịch bệnh chỉ kéo dài đến hết tháng 3).

Trong khi đó, báo cáo thường niên của Vietcombank và VietinBank năm nay đều không nhắc đến con số lợi nhuận năm 2020, và cuộc họp ĐHĐCĐ thì đã được hoãn lại do dịch bệnh diễn biến phức tạp. 

Lê Lan (Tổng hợp)