Xu hướng thị trường

Phó Thống đốc NHNN lên tiếng về việc các dự án BOT muốn ngân hàng tiếp vốn

Theo lãnh đạo NHNN, để có thể đẩy mạnh cho vay BOT, ngân hàng thương mại cần được phải bổ sung vốn điều lệ.

Báo Đầu tư đưa tin, tại cuộc họp báo thông tin về hoạt động ngân hàng quý III/2019 diễn ra ngày 1/10, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, hiện nay, rất nhiều dự án BOT đang thiếu vốn và muốn được ngân hàng tài trợ vốn.

 Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú.(Ảnh: VTC News)

Ông Đào Minh Tú cho rằng: “Ai cũng nghĩ làm dự án BOT thì phải huy động vốn từ ngân hàng. Chúng tôi thấy rằng, tham gia những dự án cao tốc, những dự án BOT giao thông là quyết tâm rất cao, rất nỗ lực của các ngân hàng thương mại.

Thứ nhất, các ngân hàng thương mại hiện nay đa phần là huy động vốn ngắn hạn, nhưng cho vay các dự án BOT giao thông lại chủ yếu dài hạn.

Thứ hai, các dự án BOT giao thông đòi hỏi vốn lớn, lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Thứ ba, cho vay BOT, các ngân hàng cũng bị giới hạn ở tỷ lệ nhất định do vướng quy định về tỷ lệ vốn tự có và hệ số an toàn vốn (CAR)”.

Theo lãnh đạo NHNN, để có thể đẩy mạnh cho vay BOT, ngân hàng thương mại cần được phải bổ sung vốn điều lệ. Nhiều năm qua, việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước vẫn đang bế tắc.

Tuy nhiên, ngay cả khi gỡ được vấn đề tăng vốn, thì việc rót 5.000 – 7.000 tỷ đồng cho vay dự án BOT với một ngân hàng là không hề dễ dàng.

Vì thế tín dụng cho BOT, cao tốc Bắc Nam ngân hàng sẽ cố gắng trong điều kiện, khả năng, đảm bảo an toàn, đảm bảo hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng.

Đồng thời, ông cũng cho rằng, các bộ ngành, địa phương cũng cần làm rõ chính sách liên quan đến BOT để không gây rủi ro, như giá cả BOT, trạm thu….

Theo Infonet, nói thêm về vốn tín dụng cho BOT, Phó Thống đốc cho hay một dự án, vốn tín dụng lên tới 9.000 - 10.000 tỷ đồng thì ngân hàng phải tính toán thanh khoản.

Như thu xếp nguồn vốn tín dụng cho dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, vốn lúc đầu 9.000 tỷ, sau lên 12.000 tỷ. 4 ngân hàng vào mới đủ vốn cho dự án: Vietinbank 3.400 tỷ, Agribank 1.000 tỷ, BIDV 1.500 tỷ, VPbank 1.200 tỷ. Ngoài ra, vốn nhà nước cũng phải bỏ hơn 2.000 tỷ.

“Đường từ Chi Lăng lên đến Hữu Nghị (Lạng Sơn) dự kiến cần khoảng 8.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Cao Bằng cũng đề xuất con đường từ Đồng Đăng lên Trà Lĩnh ước 20.000 tỷ đồng. Đường đi từ Hòa Bình lên Mộc Châu (Sơn La) cũng cần khoảng 22.000 tỷ đồng. Đó là sơ bộ một số con đường lớn ở phía Bắc. Chưa kể phía Nam một loạt đường khác cũng cần nâng cấp. Do đó vốn tín dụng BOT là rất lớn”, Phó Thống đốc cho hay.

Hoàng Mai (tổng hợp)