Sự kiện

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phàn nàn chuyện đại gia làm dự án và đùn đẩy hạ tầng cho nhà nước

Bên hành lang kỳ họp thứ 20 của HĐND TP.HCM khóa IX trong ngày 9/7, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan đã có đánh giá về công tác xây dựng hạ tầng nhằm khắc phục vấn đề ngập nước, kẹt xe khiến người dân địa phương chịu đựng suốt nhiều năm qua.

Nói về công tác quy hoạch hạ tầng khi xây dựng đô thị, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh, khi phát triển xây dựng đô thị không đúng quy hoạch sẽ để lại hậu quả lớn. “Như khu Thảo Điền, quận 2 có những con đường rất nhỏ, chỉ đi được 1 đường xe, hạ tầng yếu kém, nằm bên bờ sông nên thường xuyên ngập nước. Thành phố sẽ xem xét giải quyết từng bước nhưng có nhiều thứ phải làm”, ông Hoan chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp HĐND TP.HCM đang diễn ra.

Khi được hỏi cụ thể về đường Nguyễn Hữu Cảnh, chiều dài 3,7 km nhưng có 6 khu phức hợp, tổ hợp nhà ở. Như vậy, trách nhiệm đóng góp xây dựng hạ tầng của nhà đầu tư các dự án tại khu vực này như thế nào? Vị Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, nhà đầu tư phải làm dự án theo đúng quy hoạch. Trong điều kiện khó khăn về địa điểm, quy mô nhỏ nên vị trí rất quan trọng.

“Nhiều nhà đầu tư mong muốn được đầu tư nhiều, rộng. Họ có vẻ quan tâm đến dự án của họ nhiều hơn. Ngân sách khó khăn nhưng nhà đầu tư chưa chia sẻ, chỉ biết dự án của mình, còn phần ngoài bỏ đó. Toàn các đại gia, sau khi làm dự án cứ đẩy hạ tầng về Nhà nước”, ông Hoan phàn nàn.

Vì thế, vị Phó Chủ tịch cho rằng, đối với quy hoạch những khu đô thị mới, TP.HCM nhất quán chủ trương quan tâm đến hạ tầng, cần những nhà đầu tư lớn với khu đô thị quy mô khoảng 100 - 200 ha.

Trước đó, trong những buổi tiếp xúc trước kỳ họp HĐND thứ 20 khóa IX, nhiều cử tri nêu ra ý kiến về vấn đề ngập nước, kẹt xe, quá tải quy hoạch.

Từng chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đánh giá: “Có nhiều nguyên nhân gây ra ngập nước tại TP.HCM nhưng chủ yếu là do các dự án xây dựng chỉnh trang lại không xử lý tác động môi trường.

Như một tuyến đường bình thường, chúng ta xây dựng hàng loạt công trình, công năng nên cao lên mấy mét thì trở thành con đê. Nên đa số các điểm ngập tại TP.HCM và các đô thị lớn là khu vực có nhiều dự án mới”.

Vấn đề ngập nước khiến người dân tại TP.HCM khổ sở suốt nhiều năm qua.

Chuyên gia quy hoạch đô thị này cũng chỉ ra, nước ngoài có quy định rất chặt chẽ, trước khi được cấp phép chứ chưa đợi làm xong, dự án phải được đánh giá tác động môi trường và nghiêm túc xử lý.

Xây một tòa nhà cao hàng chục tầng, quy mô hàng trăm hộ dân, nhà đầu tư phải giải quyết được áp lực hạ tầng, nhu cầu cấp thoát nước.

“Còn tại Việt Nam, chúng ta cũng yêu cầu đánh giá tác động môi trường nhưng lại theo cách làm sai là giao cho nhà đầu tư. Dĩ nhiên, chẳng có ai dại mà khai ra những ảnh hưởng tiêu cực để phải đóng thêm tiền. Cách tốt nhất là phải có đơn vị độc lập giám sát quá trình này”, ông Sơn nhận xét.

Bên cạnh đó, cần truy lại trách nhiệm đóng góp cho ngân sách chống ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm của những người hưởng lợi từ các dự án mới.

Nhà đầu tư phải đóng góp ngân sách để giải quyết các vấn đề đô thị, nếu họ muốn xây dựng trong khu vực có hạ tầng kém.