Tài chính - Ngân hàng

Phó Chủ tịch TPBank: “Chỉ có chúng tôi mới hầu được khách tận răng như vậy"

Phó Chủ tịch TPBank Đỗ Anh Tú khẳng định với cổ đông: “Tựu chung nếu chấm điểm tổng thể, ở Việt Nam này không ai nói TPBank là ngân hàng số 2 về ngân hàng số”.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động hầu hết tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực FinTech. Việc các ngân hàng đón đầu hoặc là đi theo công nghệ số là điều tất yếu và các ngân hàng Việt không thể đứng ngoài dòng chảy này.

Ngân hàng số (Digital Banking) – hình thức số hóa mọi hoạt động ngân hàng truyền thống đã trở thành bước tiến lớn trong việc tiết kiệm thời gian giao dịch của khách hàng, tiết kiệm chi phí của ngân hàng cho các nhân lực phục vụ trực tiếp,…

Giữa hàng loạt “ông lớn” với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực kinh doanh tiền như Vietcombank, BIDV hay MB… ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) – ngân hàng từng thuộc top “bé hạt tiêu” về quy mô vốn điều lệ lại lựa chọn đi trước một bước, tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số.

Điều này được vị Phó Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Anh Tú khẳng định tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 tổ chức sáng nay 23/4. Ông Tú cho biết: “Về ngân hàng số, TPBank đi trước ngân hàng khác vài ba năm”.

Theo ông Tú, mục tiêu hoạt động của ngân hàng là làm lợi cho cổ đông, muốn thể phải tiết kiệm được chi phí, mà cách tốt nhất đó là phải số hóa, tăng trải nghiệm cho khách hàng.

“Có ngân hàng nào mà gọi call center (trung tâm dịch vụ khách hàng) mà không cần nói? Có ngân hàng nào mà khách hàng 10 giờ đêm mở thẻ ngân hàng để sáng hôm sau đi nước ngoài vẫn được? “Số” là phải “số” từ trong ra ngoài, từ A tới Z”, ông Đỗ Anh Tú chia sẻ. Vị Phó chủ tịch ngân hàng nói thêm: “Hầu tận chân răng khách hàng như vậy, chỉ có chúng tôi làm được”.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc so sánh tương quan việc số hóa ngân hàng của TPBank với các đối thủ khác trên thị trường, Phó Chủ tịch TPBank cho rẳng: “Chúng tôi không so sánh với ngân hàng ở Việt Nam mà chúng tôi so sánh với tầm thế giới. Ở Việt Nam, nếu TPBank là ngân hàng số thứ 2 thì không ai là ngân hàng số thứ nhất cả!".

Cùng với việc đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng như các ngân hàng khác, chuyển đổi số cũng là “một trong những mục tiêu quan trọng của TPBank trong năm nay”.

Vấn đề này được Tổng Giám đốc ngân hàng Nguyễn Hưng trình bày tại đại hội cổ đông và mong đại hội thông qua, xác định chuyển đối số là mục tiêu phát triển lâu dài của ngân hàng.

Tổng giám đốc TPBank chia sẻ trước khi tái cơ cấu, TPBank là một trong những ngân hàng bé nhất hệ thống. Nhưng sau 8 năm, tính về tổng tài sản, TPBank hiện nằm trong top 13, vượt quá nhiều ngân hàng có tuổi đời hơn 20 năm. Tuy nhiên, với số lượng khách hàng hiện nay, hơn 4 triệu khách hàng, đa số là khách hàng cá nhân, so với toàn ngành vẫn còn khá thấp.

Đi theo định hướng ngân hàng số đã giúp TPBank khắc phục hạn chế số lượng chi nhánh không nhiều. “Vì vậy, việc mở rộng LiveBank là phù hợp. Thủ tục mở chi nhánh hiện nay cũng rất phức tạp và lâu nên không thể trông chờ mở chi nhánh truyền thống để tăng khách hàng”, ông Hưng cho biết.

Diễn biến của nền kinh tế và dịch bệnh trong năm 2020 có thể được coi là tấm gương phản chiếu rõ nhất những lợi ích của một chiến lược số toàn diện mà TPBank theo đuổi trong nhiều năm qua, đặc biệt là hệ thống LiveBank với lượng khách hàng mở mới tài khoản và thẻ tăng gấp 4 lần, số dư CASA tăng gấp 5 lần và thời gian phục vụ khách hàng giảm từ 40-60%.

"Chúng ta là ngân hàng duy nhất cho phép khách hàng mở thẻ, mở tài khoản trong vài phút tại LiveBank. Khi dịch vụ tốt hơn, trải nghiệm tốt hơn thì chúng ta sẽ thu hút thêm khách hàng, mở rộng thị phần", Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ.

Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng cho biết năm ngoái, TPBank đã ứng dụng đc 75 robot thay thế cho 180 nhân viên làm việc fulltime. Năm nay, ngân hàng sẽ triển khai với tiến độ 5 robot/tuần, dự kiến có 140 robot trong cả năm. “Số hóa đã mang lại lợi ích rất lớn, không chỉ tiết kiệm chi phí nhân lực mà còn về độ chính xác, giảm thiểu rủi ro đạo đức… cho ngân hàng”.

Năm 2020, tổng tài sản của TPBank tăng 14,6% đạt 206.315 tỷ đồng; huy động vốn tăng 16,4% đạt 184.911 tỷ; dư nợ cho vay tăng 12,9% đạt 132.347 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2020 của TPBank đạt 4.389 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019. Nhìn chung, các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch mà ĐHĐCĐ đã giao.

Hoạt động đầu tư, kinh doanh ngoại tệ và vàng năm 2020 có kết quả tốt. Trong đó, năm 2020, giá vàng SJC đã tăng 30% - đạt mức cao nhất từ trước đến nay, ngân hàng đã tận dụng được hầu hết các đợt sóng giá vàng, thu được lợi nhuận đáng kể.

Năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2020 và không chia cổ tức.

Hiểu Minh