Dân sinh

Phó Chủ tịch TP.HCM: “Đừng để người lao động tự ái khi nhận hỗ trợ"

Sáng 5/7, chính quyền TP.HCM vừa có họp báo về việc triển khai gói hỗ trợ lần 2 đối với người bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Đổi mới thủ tục nhận hỗ trợ

Để thực hiện Nghị quyết về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM của HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM đã có kế hoạch số 2209 để triển khai chi số tiền 886 tỷ đồng.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc sở Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM cho biết, đơn vị sẽ có những hướng dẫn cụ thể cho người lao động (NLĐ) về việc nhận hỗ trợ.

Đối với NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, chủ doanh nghiệp sẽ lập danh sách (theo mẫu), sau đó gửi đến cơ quan BHXH quận, huyện, TP.Thủ Đức nơi doanh nghiệp trú đóng.

Trong thời gian một ngày, cơ quan BHXH sẽ thực hiện đối chiếu, xác nhận số lao động này có đóng BHXH đến thời điểm được hỗ trợ hay không.

Sau khi đối chiếu, cơ quan BHXH sẽ xác nhận vào danh sách của doanh nghiệp gửi và chuyển về phòng LĐ-TB&XH quận, huyện, TP.Thủ Đức để tập hợp lại và trình cho chủ tịch quận, huyện, TP.Thủ Đức ra quyết định hỗ trợ.

Việc nhận hỗ trợ sẽ thực hiện bằng cách chuyển qua tài khoản của NLĐ. Nếu NLĐ không có tài khoản, phòng LĐ-TB&XH mời đến để chi hỗ trợ trực tiếp.

Sau khi HĐND TP.HCM có Nghị quyết, UBND TP.HCM đã có kế hoạch triển khai gói hỗ trợ 889 tỷ đồng cho người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn.

Đối với NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ phải làm tờ khai theo mẫu và phô tô sổ BHXH, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động rồi gửi đến cơ quan BHXH nơi mình thường trú.

Trong vòng một ngày, cơ quan BHXH sẽ xem, xác nhận rồi chuyển danh sách về phòng LĐ-TB&XH. Trình tự thủ tục về giải quyết và nhận chi hỗ trợ giống như trường hợp trên.

Trong khi đó, đối với NLĐ tự do sẽ chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những người tự làm như bán vé số, chạy xe ôm… thì sẽ do tổ dân phố, tổ trưởng nơi mà họ cư trú lập danh sách rồi gửi lên phường, xã.

Sau khi có danh sách, chính quyền phường, xã sẽ lập hội đồng xét duyệt. Hội đồng xét duyệt gồm có chủ tịch UBND phường, xã cùng các ban, ngành, đoàn thể.

Nếu hội đồng thống nhất danh sách thì gửi lên quận, huyện, TP.Thủ Đức. Trong vòng hai ngày, phòng LĐ-TB&XH sẽ trình chủ tịch quận, huyện, TP.Thủ Đức phê duyệt và chuyển danh sách về phường, xã.

Từ đó, trong thời gian ba ngày kể từ ngày nhận lại danh sách thì phường, xã sẽ thực hiện các thủ tục chi hỗ trợ cho từng người dân.

Nhóm thứ hai là NLĐ làm việc tại các quán ăn, các điểm kinh doanh, các chủ cơ sở sẽ lập danh sách số NLĐ đang làm việc tại cơ sở gửi lên phường, xã nơi cơ sở trú đóng. Từ danh sách mà chủ cơ sở gửi lên sẽ thực hiện các thủ tục giống như nhóm thứ nhất.

Đối với việc hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể tại quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12) và các khu vực bị phong tỏa thì cơ quan thuế quận, huyện, TP.Thủ Đức sẽ lập danh sách theo mã số thuế từng hộ để thực hiện việc chi hỗ trợ.

Sau khi gửi văn bản cho các quận, huyện, TP.Thủ Đức từ 1/6, sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã nhận được báo cáo ban đầu về số lượng người đăng ký nhận hỗ trợ. Trong khi sở Tài chính TP.HCM cũng đã bố trí kinh phí cho các địa phương.

Nhanh chóng kịp thời nhưng không để trục lợi chính sách

PV Người Đưa Tin Pháp luật đặt câu hỏi: “Nếu số người đăng ký nhận hỗ trợ vượt quá kinh phí mà sở Tài chính phân về cho địa phương thì UBND TP.HCM xử lý ra sao?”.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, việc thống kê số người đăng ký nhận hỗ trợ “đang tiến hành khá ổn nhưng thực tế có thể phát sinh thêm”.

Vì thế, nếu dẫn đến phát sinh kinh phí, UBND TP.HCM sẽ hướng dẫn tháo gỡ nhanh chóng để việc chi tiền hỗ trợ vẫn được tiếp tục chứ không khống chế, gây thêm khó khăn cho người cần được giúp đỡ.

Giới báo chí cũng nêu ra thực trạng năm 2020 đã chi tiền hỗ trợ đợt 1, có nhiều người lao động làm đơn nhưng không được chính quyền địa phương trả lời.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan thẳng thắn: “Việc cấp địa phương, cơ quan chức năng nhận hồ sơ nhưng không trả lời với người dân là thiếu sót lớn, cần phải chấn chỉnh trong thời gian tới”.

Bên cạnh đó, ông Hoan cũng tán đồng với ý kiến lo lắng cho sự quá tải của đội ngũ cán bộ cấp phường, xã khi vừa nỗ lực chống dịch, vừa thực hiện gói hỗ trợ an sinh này.

Nhận thấy nhiều bất cập từ năm ngoái nên UBND TP.HCM đã có chủ trương, biện pháp mới. Cụ thể nhất, là việc chi trả sẽ chuyển khoản trực tiếp cho người lao động.

“Bây giờ ai cũng có tài khoản ngân hàng nên việc này rất dễ dàng, thuận tiện. Chỉ có đối tượng bán hàng rong, lao động tự do là không có nên buộc lòng phải đến cơ quan hành chính Nhà nước để nhận tiền”, ông Hoan đánh giá.

TP.HCM sẽ thực hiện gói hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đợt 2 năm 2021 bằng nhiều biện pháp thiết thực hơn.

Ngoài ra, vị lãnh đạo TP.HCM còn chỉ ra, do năm ngoái thủ tục yêu cầu người lao động tự do phải có giấy xác nhận chưa nhận hỗ trợ từ nơi thường trú nên việc chi hỗ trợ gặp trục trặc. Bởi lẽ, đối tượng người lao động tự do tại TP.HCM phần đông đến từ các tỉnh, thành khác.

“Nhiều người ở miền Bắc, miền Trung mà bắt họ phải lặn lội về quê làm thủ tục hay nhờ người nhà làm giấy gửi bưu điện thì vừa chậm trễ, vừa gây phiền hà. Năm nay đã có rút kinh nghiệm, là chỉ cần có đăng ký tạm trú, người lao động tại TP.HCM sẽ được nhận hỗ trợ”, ông Hoan khẳng định.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cũng đề nghị các cơ quan báo chí giám sát quá trình thực hiện việc thực hiện gói hỗ trợ này. Quan điểm xây dựng chính sách của TP.HCM xác định, đây là trách nhiệm của chính quyền đối người dân, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ công nhân lao động, nhóm yếu thế trong xã hội.

Vì thế, việc thực hiện gói hỗ trợ phải được ông Hoan yêu cầu “phải kịp thời công khai nhưng không để lợi dụng chính sách”. Trong đó, cần đề cao trách nhiệm của người sử dụng lao động và chính quyền địa phương để việc hỗ trợ nhanh chóng, không gây phiền hà.

“Nếu như trước đây người lao động phải làm đơn để đăng ký nhận hỗ trợ thì bây giờ phải do người sử dụng lao động, chính quyền địa phương rà soát, thống kê. Đó là cách chúng ta làm cho đúng chứ đừng để tổn thương lòng tự trọng của người lao động”, ông Hoan nói.

Thời gian thực hiện việc chi hỗ trợ cho người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 sẽ là trong tháng Bảy và kết thúc trong tháng 8/2021.

“Đây là gói hỗ trợ an sinh và việc thực hiện hỗ trợ từ cái tình, cái nghĩa để giúp đỡ người dân vượt qua những lúc khốn khó. Vì thế, cán bộ địa phương phải nêu cao trách nhiệm của mình.

Nếu chúng ta tự đặt ra thủ tục nhiêu khê thì việc hỗ trợ sẽ không đúng với ý nghĩa, không đúng với tinh thần mà Đảng bộ TP.HCM đã đề ra trong công tác chăm lo cho người dân”, vị Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận xét.