Phó Bí thư Đồng Nai 'chống lưng' cho công ty chồng: Của chồng công vợ

Chữ ký của bà Phan Thị Mỹ Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai trong các văn bản được nhắc tới trong kết luận thanh tra rất giá trị, như chiếc ô cứng cáp giúp công ty của chồng bà nhận được lợi ích to lớn. Nhưng giá như...

Kính gửi ông Đỗ Tịnh – Giám đốc công ty TNHH Cường Hưng!

Lời đầu tiên, tôi xin được gửi tới ông lời chào trân trọng nhất. Giới thiệu với ông, tôi chỉ là một người dân lao động bình thường, nếu trong lá thư đường đột này có lời nào không phải, mong ông rộng lượng bỏ quá cho. Được biết, Thanh tra Chính phủ vừa kết luận thanh tra toàn diện dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) do công ty TNHH Cường Hưng làm chủ đầu tư. Theo đó, việc thực hiện dự án của Công ty có nhiều sai phạm tồn tại trong chấp hành quy định về đầu tư xây dựng, chế độ kế toán, quản trị doanh nghiệp…

Những mặt tối ở công ty bị lộ sáng, người lãnh đạo như ông không khỏi phiền lòng. Song suy nghĩ theo hướng tích cực thì ông vẫn còn nhiều điều để vui trong câu chuyện này.

Thực lòng, tôi vô cùng ngưỡng mộ ông, phần vì ông làm Giám đốc (hay “sếp” theo cách gọi thân mật của chúng tôi), phần vì hậu phương của ông quá sức tuyệt vời. Người ta chẳng hay nói: Đằng sau người đàn ông thành công luôn có bóng dáng của một người phụ nữ đó sao? Thật ghen tị khi người ấy là bà Phan Thị Mỹ Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Cứ phải nhìn vào kết luận thanh tra mới đây mới thấy, quý phu nhân đã bỏ sức “chống lưng” cho ông như thế nào.

Kết luận nêu rõ, bà Thanh thời kỳ làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ký quyết định cho phép đầu tư dự án chưa đúng quy định pháp luật; ký văn bản báo cáo xin ý kiến bộ Xây dựng chưa đúng sự thật, chưa đúng tiến độ thực hiện dự án; ký văn bản cho phép công ty Cường Hưng được tính chi phí xây lắp tuyến đường vào chi phí hợp lý của dự án khu dân cư là chưa đúng với chủ trương chung của tỉnh.

Mặt khác, bà Thanh còn ký các văn bản cho phép công ty của chồng được kinh doanh bến thủy nội địa, mặt bằng và vật liệu xây dựng, gia hạn hoạt động bến thủy nội địa, trong khi đây là lĩnh vực không được Chủ tịch UBND tỉnh phân công.

Dân gian có câu: Gái có công, chồng chẳng phụ. Hẳn ông cũng cảm thấy may mắn và trân trọng khi nhận được sự “hỗ trợ” quý hoá của quý phu nhân trong công việc kinh doanh hay cụ thể, việc làm của bà Thanh giúp cho công ty của ông được hưởng những lợi ích mà các công ty khác trên địa bàn thực hiện các dự án tương tự không được.

Bà Phan Thị Mỹ Thanh. Ảnh: VTV.

Nhưng, ở mặt bên kia vấn đề, dường như bà Thanh đã quên mất trách nhiệm, nghĩa vụ của một người cán bộ. Tôi biết, nếu đứng hai người đang đói khát gồm chồng mình và một người hoàn toàn xa lạ, người phụ nữ nào cũng sẽ đưa miếng bánh cuối cùng cho đức lang quân. Nhưng, điều này chỉ hợp lý khi miếng bánh đó do cô ấy làm ra, chứ không phải là mồ hôi, công sức của tập thể.

Chữ ký của bà Thanh trong các văn bản được nhắc tới trong kết luận thanh tra rất giá trị, như chiếc ô cứng cáp giúp công ty của ông nhận được lợi ích to lớn. Nhưng giá như, trước khi đặt bút, bà dành chút ít thời gian ngó ra ngoài trời, đếm xem có bao nhiêu công ty đang tất tả chạy dưới mưa mà mãi không đến đích…        

Ký tên

Người quan sát