Sự kiện

Phó Bí thư TP.HCM: Người dân cần nâng cao ý thức, ở nhà là tự bảo vệ mình

Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tăng cường, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM kêu gọi người dân nâng cao ý thức chấp hành các biện pháp phòng chống dịch.

Sáng 25/7, tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của TP.HCM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đưa ra nhiều nhận định và chỉ đạo cho tình hình hiện tại.

Theo lãnh đạo Thành ủy TP.HCM, địa phương đã trải qua 55 ngày giãn cách xã hội bằng nhiều cấp độ. Tính từ ngày 31/5, các cấp độ giãn cách lần lượt theo Chỉ thị 15 của Chính phủ, Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM, Chỉ thị 16 của Chính phủ và bây giờ là Chỉ thị 16 tăng cường.

Ông Mãi cho rằng, việc siết chặt công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn chưa thể dừng lại do sự phức tạp kéo dài. Bên cạnh nguyên nhân khách quan là tính chất lây lan nhanh của biến chủng Delta còn có sự chủ quan tại nhiều địa bàn thực hiện chưa nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch. Điều này diễn ra với cả các cấp, các ngành chức năng và người dân.

“Chúng ta cần nhìn nhận đúng đắn, phân tích thấu đáo. Không phải để quy trách nhiệm cho ai mà phải hiểu rõ, nếu phòng chống dịch không tốt thì tình hình có thể tồi tệ hơn”, ông Mãi nhấn mạnh.

Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM kêu gọi người dân đồng lòng, chấp hành tốt quy định để kiêm soát dịch bệnh Covid-19.

Hiểu được sự vất vả của lực lượng phòng chống dịch và sự khó khăn của người dân nhưng Phó Bí thư TP.HCM cho rằng cần phải đoàn kết, quyết tâm hơn nữa. Từng cán bộ, từng người dân phải nhìn vào thực tế để thấy trách nhiệm của mình là thực hiện biện pháp, quy định một cách quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.

“Trước đây, sau 1 tuần thực hiện Chỉ thị 16, chúng ta đề ra 3 tình huống sau 15 ngày. Hiện nay là tình huống thứ 2, nghĩa là đã bỏ lỡ cơ hội đạt được tình huống thứ 1. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường là điều không ai mong muốn, nhưng chúng ta phải đối diện”, ông Mãi chỉ ra.

Vì thế, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM kêu gọi “sự nâng cao ý thức và hành động phòng chống dịch mạnh mẽ hơn”. Việc giãn cách cần thực hiện triệt để, thậm chí có thể giới hạn khung giờ nhất định với một số đối tượng.

Trong lúc việc di chuyển giảm đến mức tối thiểu, thành phố sẽ tăng cường cung ứng hàng hóa, hỗ trợ người khó khăn để khẳng định “không ai bị bỏ lại phía sau”.

“Chúng ta dự kiến thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường đến ngày 1/8 nhưng thực tế có thể trễ hơn. Khi nhận thấy hiệu quả thì việc giãn cách mới có thể nới lỏng. Còn nếu tình hình xấu hơn thì cần chủ động cho tình huống thứ 3 có thể xảy ra”, ông Mãi phân tích.

Nói về chiến lược phòng chống dịch, ông Mãi khẳng định nhiệm vụ chính sẽ tập trung nguồn lực cho công tác điều trị các bệnh nhân nặng với mục tiêu giảm con số tử vong xuống mức thấp nhất.

Việc phân tầng điều trị đang tiến hành và dần dần hoàn chỉnh với cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, cơ chế. Trong khi Trung ương chia thành 3 tầng thì TP.HCM với đặc thù, thực tế nên đã chia thành 5 tầng.

Phó Bí thư Phan Văn Mãi đề nghị, ngành y tế thông tin rõ cho người dân được biết về địa chỉ, khả năng tiếp nhận, điều kiện, phương thức điều trị F0 của từng tầng.

Thừa nhận tình trạng người dân có nhu cầu hỗ trợ y tế nhưng chưa kịp thời được giải quyết, ông Mãi bày tỏ thấu hiểu đối với thực tế quá tải tại các bệnh viện từ tuyến quận, huyện đến các cơ sở chuyên điều trị Covid-19.

Do đó, lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu ngành y tế và các đơn vị có liên quan tăng cường năng lực bằng cách rà soát, củng cố khả năng tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân. Các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung sẽ được nâng cấp thành bệnh viện điều trị Covid-19.

Hay hiện tại, chính quyền thành phố đang làm việc để huy động nguồn lực từ đội ngũ y tế tư nhân. Kết quả bước đầu khả quan khi đã tăng thêm 900 giường để phòng chống dịch.

Đối với phản ánh của báo chí về hiện tượng mua trang phục nhằm giả dạng shiper (người giao hàng) để ra đường, ông Mãi giao cho lực lượng chức năng như Công an thành phố, sở Giao thông Vận tải phố, các quận, huyện để có biện pháp xử lý.

“Việc xử lý của cơ quan chức năng thường xuyên được tiến hành và bây giờ sẽ tăng cường mạnh mẽ hơn. Người dân cần có ý thức chấp hành quy định. Phải hiểu rằng ra đường là tăng nguy cơ tiếp xúc, ở nhà là bảo vệ mình”, ông Mãi nhận xét.