Đối thoại

Phimmoi bị khởi tố: Dẹp nạn "xem chùa" vẫn khó trăm bề

Mới đây, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án hình sự liên quan đến website www.phimmoi.net. Biên kịch Trịnh Thanh Nhã đã có ý kiến thẳng thắn về việc chiếu phim lậu này.

Chào biên kịch Trịnh Thanh Nhã, mới đây, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án hình sự và đang tiến hành điều tra vụ án xâm phạm quyền tác giả liên quan đến website www.phimmoi.net. Được biết, website này được thành lập từ năm 2014, theo chị vì sao việc phim chiếu lậu lại tồn tại lâu như vậy?

Thú thật là tôi cũng ngạc nhiên về điều này. Với một trang Facebook cá nhân hoặc các trang trên Instagram và các nền tảng nội dung số khác, nếu có nội dung được cho là độc hại sẽ nhanh chóng bị chặn hoặc gỡ bỏ. Vậy nhưng với các trang phim thì cơ quan chức năng hình như nhận diện quá chậm, phản ứng quá chậm. Ngoài ra, do không có dấu hiệu gì trên các trang truyền tải phim để phân biệt một trang có phép và không phép, vì thế nếu người yêu phim muốn phát hiện và tố cáo cũng sẽ rất khó. Đây là lý do khiến trang phim kiểu phimmoi có thể tồn tại lâu đến thế với những trò lượn lẹo dù không mấy “đặc biệt” cũng đã qua mắt được cơ quan chức năng.

Nhà biên kịch phim Trịnh Thanh Nhã từng công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam.

Trang phim này đã sao chép, khai thác, sử dụng, trình chiếu, truyền đạt các tác phẩm điện ảnh ra công chúng khi không được phép của chủ thể quyền. Không những vậy, website này còn kinh doanh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trái phép trên các bộ phim có bản quyền nhằm thu lợi bất chính với số tiền đặc biệt lớn. Vì sao các đạo diễn, nhà sản xuất phim lại "im hơi" để họ... sống tốt bằng ấy năm?

Cần phải khẳng định rằng những người tạo ra các trang phim kiểu này từ bản chất là có mục đích thu lợi bất chính. Họ đâu phải là các hiệp sĩ văn hoá mà “dâng” cho công chúng những bộ phim hay, chưa được công bố (vì thế rất gây tò mò) mà không được lợi lộc gì. Trong khi tuyên bố công chúng được xem phim miễn phí, điều mà rất nhiều người Việt Nam thấy hấp dẫn vì có thói quen “dùng chùa”, thì họ đương nhiên sẽ nhận vào hay kêu gọi quảng cáo của các nhãn hàng (nhiều khi là lừa đảo, độc hại) để thu bộn tiền của các quảng cáo này. Ngay cả trang phim Nexflix cũng đôi khi gây ngỡ ngàng vì có những bộ phim của Hãng phim truyện Việt Nam được trình chiếu mà những đạo diễn phim ngơ ngác vì không ai xin phép.

Về phía các nhà sản xuất, các tác giả… tức là các chủ sở hữu của sản phẩm, thì có lẽ sự im hơi lặng tiếng đến từ hai lý do chính: Một là không phải ai cũng có thời gian để theo dõi xem phim của mình có bị “xài chùa” trên các trang mạng không. Hai là nếu có biết, thì họ cũng không dễ dàng truy nguyên được nguồn phát tán, hay kẻ nào cho phép. Những việc ấy quá mất thời gian. Và vì thế các sản phẩm văn hoá đã có đăng ký bản quyền cần có sự bảo hộ của nhà nước, ở đây chính là sự kiểm soát, và công tác quản trị mạng do cơ quan có trách nhiệm chủ trì.

Tôi nghĩ trong việc “phạt vạ” những kẻ ăn cướp này nên có sự chia sẻ lại từ những nạn nhân, cả tiếng nói lẫn quyền lợi kinh tế. Khi một trang web phát hành lậu một phim nào đó bị lật tẩy, đương nhiên sẽ bị phạt tiền. Vậy cứ theo tỷ lệ nào đó mà trả lại tiền bản quyền cho chủ sở hữu phim. Như vậy thì các chủ sở hữu cũng sẽ chăm chú hơn trong việc theo dõi sự vi phạm bản quyền trên các trang này. Tuy không thể triệt để nhưng cũng có tác dụng nhiều hơn khi chỉ có một đầu mối là cơ quan bảo vệ bản quyền theo dõi. Tuy nhiên cũng phải nói thật rằng hiện nay ngay cả có sự phát hiện của chủ sở hữu phim cũng không chắc lắm cái “tiếng la” của họ được cơ quan chức năng lưu tâm.

Trường hợp Hãng phim truyện VN là một ví dụ. Vụ phim chiếu trên Nexflix (tôi không nhớ chính xác phim nào vì sự vụ cũng trôi qua cả năm rồi) mà không rõ ai đã bán cho kênh này, nghệ sĩ la lên, nhưng cho đến nay cũng không có sự trả lời thích đáng nào. Có lẽ “họ” chờ một đơn kiện, hoặc không muốn mất thời gian cho một chuyện “lẻ tẻ” chăng? Còn các nghệ sĩ thì chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày khiến họ không có thời gian để làm một cuộc điều tra. Vậy, không phải nghệ sĩ hay chủ sở hữu phim “im hơi lặng tiếng”, mà chính là họ biết có kêu cũng không được lắng nghe.

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho hay, bản thân chị cũng không phân biệt được đâu là trang phim được cấp phép, đâu là trang lậu.

Đây là vụ một website chiếu phim lậu bị khởi tố lần đầu có ở Việt Nam. Với việc làm này, theo chị có thể "chặt đứt đuôi con nòng nọc", lời cảnh tỉnh cho các trang phim lậu khác?

Tôi nghĩ chuyện này nếu không đi kèm theo những biện pháp thích hợp trong công tác kiểm tra, kiểm soát thì sẽ như "ném đá ao bèo" thôi. Việc cần làm ngay mà không khó khăn gì là cơ quan chức năng cần tạo ra một bộ nhận diện để các trang phim được phép có thể tồn tại một cách chính thống, không lẫn lộn với những trang phim lậu kiểu phimmoi, dù trang này có đổi tên miền bao nhiêu lần đi nữa.

Tôi cũng đã xem nhiều phim trên mạng, nhưng thú thực là không thể biết được đâu là trang lậu, đâu là trang được phép. Rồi nữa, việc chia sẻ quyền lợi với các chủ sở hữu phim khi một trang phim lậu bị phát hiện và phạt tiền là cách để các chủ sở hữu thành lập bộ phận theo dõi bản quyền của sản phẩm một cách hữu hiệu. Như thế thì tiền phạt phải lớn, phải nặng để kẻ vi phạm không còn dám vi phạm nữa, còn người được hưởng lợi là các chủ sở hữu phim sẽ có trách nhiệm và nhiệt thành hơn trong việc bảo vệ bản quyền cho sản phẩm của chính mình.

Có ý kiến cho rằng, các trang phim lậu "sống khoẻ" nhờ khán giả cũng vô tình tiếp tay cho họ, liệu có đúng?

Không nên chỉ trách cứ khán giả khi mà họ có thói quen nghe nhạc, xem phim “chùa”. Đây là vấn đề dân trí và sự tự trọng mà dường như không phải ai cũng thấy. Tâm lý này đến từ một thời kỳ kéo dài xã hội không được căn chỉnh những ý thức sử dụng sản phẩm có bản quyền phù hợp khi cuộc sống và tình hình đã thay đổi. Khán giả là đối tượng thụ hưởng văn hoá, nhưng cũng là đối tượng để giáo dục và điều chỉnh hành vi. Nếu việc xem phim lậu được nhận biết là một hành vi đáng xấu hổ và sẽ bị trừng phạt thì họ sẽ từ bỏ nó. Tuy nhiên như trên tôi đã nói, khó có thể phân biệt một trang phim được phép và trang phim lậu. Vậy vấn đề vẫn thuộc về kẽ hở pháp lý của việc quản trị, quản lý mạng của cơ quan chức năng trước hết, rồi mới đến khán giả.

Chị đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn những trang phim chiếu lậu.

Là một biên kịch phim có tiếng, chị đã bao giờ vướng phải việc sản phẩm của mình bị dùng "chui", bị sao chép bản quyền khi chưa đồng ý không? Chị đã giải quyết thế nào về việc này?

Như trên đã nói, tôi không có thời gian, và cũng không biết phân biệt các trang phim có bản quyền hoặc trang phim lậu. Có lẽ tôi hơi vô tâm. Nhưng tôi cũng đã khẳng định, việc sáng tác và sản xuất phim đều đã có đăng ký bản quyền, nghĩa là chúng tôi trông cậy vào sự bảo hộ của nhà nước về quyền tác giả và quyền sở hữu phim.

Nhưng nói thật là về vấn đề này thì nhiều lúc chúng tôi buông xuôi, vì ngay cả trên truyền hình, với tư cách của người đầu tư sản xuất hoặc mua phim, đài truyền hình có thể vô tư phát đi phát lại một bộ phim khi nó ăn khách mà không cần biết đến sự đồng ý hay không của tác giả. Các Hãng phim Nhà nước có thể vô tư bán lại quyền phát hành một bộ phim mà cũng không bàn đến quyền và nghĩa vụ của tác giả.

Cái nguyên tắc “mua bản quyền một lần”, tức trả một lần bằng nhuận bút này thực ra rất bất công. Nhìn sang lĩnh vực xuất bản, khi một cuốn sách được tái bản thì Nhà xuất bản sẽ làm cái việc đầu tiên là xin phép tác giả và thương thuyết về nhuận bút. Đôi khi, do sách ăn khách, còn có sự thương thuyết giữa Nhà xuất bản và tác giả về tiền bản quyền tính trên số lượng phát hành. Với lĩnh vực phim ảnh thì chưa có động thái nào tương tự. Vậy chính các đơn vị phát hành của Nhà nước còn làm như thế, thì chuyện thất thoát bản quyền phim trên mạng là dễ hiểu.

Theo chị, đâu là vấn đề vướng mắc nhất của việc giải quyết vi phạm bản quyền nội dung số tại Việt Nam?

Tôi nghĩ vướng mắc nhất của việc gải quyết vi phạm bản quyền nội dung số nói chung tại Việt Nam chính là những kẽ hở pháp lý. Chúng ta vẫn nói về "thế trận lòng dân", nhưng khi mà người dùng nội dung số này không thể phân biệt đâu là trang được phép, đâu là trang phim lậu thì họ làm sao mà tố cáo, làm sao mà trở thành tai mắt của cơ quan chức năng được?

Hãy nhớ lại chuyện hình ảnh “đường lưỡi bò” trên phim nhập từ nước ngoài được phát hành hợp pháp tại Việt Nam hai năm trước. Vì lý do nào đó, cơ quan kiểm duyệt đã bỏ lọt, nhưng chính là khán giả đã phát hiện và yêu cầu cơ quan chức năng trả lời. Như vậy “thế trận lòng dân” vẫn còn đó, chỉ là chúng ta chưa biết cách dựa vào đó thôi.

Có một trăm người quen xem phim chùa, thì có ít nhất một người sẽ khó chịu vì sự tồn tại của một trang web chiếu phim lậu. Tôi tin là thế. Và chỉ cần 1% khán giả có lương tri, có trình độ phát hiện giúp thì chúng ta đã có thể ngăn chặn đáng kể rồi.

Vấn đề là cần cung cấp cho khán giả một sự hiểu biết cũng như các dấu hiệu nhận diện trang phim hợp pháp hay trang phim lậu, vậy đã tốt lắm rồi. Đương nhiên, trách nhiệm kiểm soát, quản trị của cơ quan chức năng phải được đặt lên hàng đầu, là phương tiện chính để hạn chế việc phạm pháp từ trong trứng nước.

Trang web phimmoi ngang nhiên đăng tải các bộ phim chưa có bản quyền. Ảnh: Chụp màn hình.

Liên quan đến việc "thay áo mới" cho trang lậu phimmoi bằng những cái tên: Phimmoiz.net, phimmoizz, phimmoizzz... theo chị, đâu là nguyên nhân chính cho việc làm thiếu văn minh, vi phạm pháp luật chưa được xử lý triệt để?

Tôi không giỏi về vấn đề nội dung mạng. Nhưng tôi hiểu đã là kẻ ăn cắp thì sẽ làm mọi cách để việc ăn cắp bị phát hiện chậm nhất, và thường thì “thua keo này bày keo khác”. Về trị giá của mỗi lần thay tên miền thì vấn đề đắt rẻ có lẽ không phải là cái cần quan tâm. Vì lợi nhuận khổng lồ của các trang phim lậu cho thấy dù tăng gấp 10 lần trị giá một tên miền thì cũng không ngăn nổi dã tâm trộm cắp của họ.

Có lẽ phải xem lại tên miền này do ai cấp, có thể do cơ quan quản lý tại Việt Nam cấp, cũng có trường hợp do một ông chủ nào đó ở nước ngoài cấp. Việc này thì các cơ quan chức năng biết hơn ai hết, và cần có sự liên kết chặc chẽ với các cơ quan liên đới ở nước ngoài để cùng nhau quản lý xã hội một cách hợp pháp và văn minh.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!