Ngôi sao

Phim về Võ Tắc Thiên: Câu chuyện về "bản sao" của Võ Tắc Thiên

Thông minh, tàn ác, Thái Bình công chúa được xem như bản sao của người mẹ lẫy lừng Võ Tắc Thiên, liệu Thái Bình công chúa có đăng cơ để thành Hoàng đế thứ 2 trong lịch sử Trung Quốc?

Trong số 4 người con của Võ Tắc Thiên, có lẽ Thái Bình công chúa nổi trội hơn cả bởi tính cách mạnh mẽ, mưu mô tham quyền giống hệt người mẹ.

Chân dung Thái Bình công chúa.

Võ Tắc Thiên và Đường Cao Tông Lý Trị có 4 người con, 2 trai, 2 gái, trong đó, Võ Tắc Thiên đặc biệt sủng ái con gái út, Thái Bình công chúa.

Do được yêu chiều từ nhỏ, lại chịu ảnh hưởng từ mẹ là Võ Tắc Thiên, cộng thêm những biến cố của tuổi thơ cùng sự thất bại trong hai cuộc hôn nhân đã tạo nên một Thái Bình công chúa ích kỉ, tham quyền, tham tiền tài, ung dung cướp tài sản của thuộc hạ, tranh chấp quyền lợi với dân chúng.

Ngay từ những buổi đầu khi người mẹ mới xưng ngôi vua, do sở hữu tính cách mạnh mẽ nên Thái Bình công chúa thường xuyên có ý định can thiệp vào vấn đề triều chính.

Tuy nhiên, Võ Tắc Thiên không cho con gái tham gia chuyện chính sự khiến Thái Bình tức tối. Sẵn sự thù hằn mẹ ruột, bà gài người thân cận vào làm nội gián để theo dõi nhất cử nhất động của mẹ mình, từng bước lộng quyền.

Lợi dụng tình hình binh loạn, Thái Bình công chúa ép mẹ bỏ ngai vàng, truyền ngôi cho Lý Hiển. Ban đầu Võ Tắc Thiên không đồng ý nhưng Thái Bình đã khuyên mẹ từ bỏ để làm Thái Thượng Hoàng.

Sau thắng lợi này, bà được sắc phong là Trấn Quốc Thái Bình công chúa, được lập phủ riêng, ăn lộc năm nghìn hộ. Cũng kể từ đó, Thái Bình công chúa bắt đầu nhúng tay nhiều hơn vào công việc chính sự trở thành công chúa có quyền lực cao nhất của nhà Đường.

Lý Đản lên ngôi một mực tin tưởng Thái Bình công chúa, mỗi lần Thái Bình công chúa vào triều bàn việc đều ngồi trò chuyện với Lý Đản rất lâu. Nếu Thái Bình công chúa không lên triều Lý Đản sẽ phái Tể tướng đến chỗ bà để xin ý kiến.

Mỗi lần các Tể tướng cho bản tấu Lý Đản đều hỏi: "Việc này đã yết kiến Thái Bình công chúa chưa?"  

Nếu Tể tướng xác nhận đã được sự cho phép của Thái Bình công chúa đồng ý thì Lý Đản mới đồng ý và mọi việc công chúa muốn Lý Đản đều đồng ý.

Tuy nhiên, dù có tài giỏi đến đâu thì Thái Bình công chúa không bao giờ được như Võ hậu. Bởi dù có tố chất và uy quyền mạnh mẽ, nhưng Thái Bình công chúa không được lòng dân, không được lòng quần thần.

Ngoài ra, triều đình cũng đã cảnh giác với việc một người đàn bà can dự vào triều chính nên Thái Bình công chúa không thể trở thành một Võ Tắc Thiên thứ hai.

Hơn nữa, thuộc hạ bên cạnh Thái Bình chỉ toàn một bầy ô hợp chỉ biết vơ vét để nhằm khuếch trương thanh thế, chính vì vậy thuộc hạ dưới quyền bà hầu hết đều không thể trọng dụng lâu dài.

Tháng 6/710, Đường Trung Tông băng hà, do Vi hoàng hậu và An Lạc công chúa hạ độc. Vi hoàng hậu muốn nhân đó chiếm ngôi vị, làm một Võ Tắc Thiên tiếp theo, nhưng Thượng Quan Uyển Nhi cùng Thái Bình công chúa đưa di chiếu lập Ôn vương Lý Trọng Mậu làm vua, tức Đường Thương Đế.

Sau đó, Thái Bình công chúa đã dùng thế lực phối hợp với người cháu là Lý Long Cơ, con của Lý Đán, và lập người này làm vua. Lý Long Cơ làm vua nhưng sau này chính hai cô cháu lại tranh giành quyền lực của nhau. Và cuối cùng Thái Bình công chúa phải chết dưới tay Lý Long Cơ.

Do đó, dù có tài giỏi đến đâu thì Thái Bình cũng không thể thực hiện giấc mơ hoàng đế. Vương triều Đại Đường cũng như trong suốt các triều đại phong kiến Trung Quốc, duy nhất một người đàn bà có thể đứng lên làm hoàng đế, chấp chính thành công, là Võ Tắc Thiên.

Cái chết của Thái Bình công chúa là sự kết thúc cho thời đại "phụ nữ can thiệp triều chính" trong lịch sử nhà Đường.

(Còn tiếp)

Phim về Võ Tắc Thiên: Tiết lộ mối tình lịch sử quyết giấu đến cùng của Thái Bình công chúa

Minh Anh