Chính sách

Phiếu tín nhiệm cao, thấp khác nhau, giải pháp nào cho nửa nhiệm kỳ còn lại?

“Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy sự thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao trong thực hiện nhiệm vụ, chức năng của một số thành viên Chính phủ. Giải pháp thực sự mạnh mẽ nào để bộ, ngành hoạt động đều tay, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả hơn?”, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.Hồ Chí Minh) nêu câu hỏi.

Đây là một trong những câu hỏi ấn tượng trong phiên chất vấn diễn ra 3 ngày vừa qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Cụ thể, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, trong cuộc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội vừa rồi cho thấy sự tín nhiệm, ghi nhận, trân trọng của đại biểu Quốc hội đối với sự nỗ lực, hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên của Chính phủ, nhất là sự tín nhiệm rất cao của các đại biểu Quốc hội đối với đồng chí Thủ tướng Chính phủ.

Song, qua sự tín nhiệm, đánh giá của đại biểu Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ cao thấp khác nhau. Dù biết rằng có một số Bộ trưởng đã có nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém từ nhiều năm trước bước đầu có hiệu quả, nhưng kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một trong những cơ sở quan trọng cho thấy sự thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao trong thực hiện nhiệm vụ, chức năng của một số thành viên Chính phủ.

“Từ tình hình đó, tôi đề nghị đồng chí Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ có giải pháp gì thực sự mạnh mẽ hơn để bộ máy của Chính phủ, các bộ, ngành hoạt động đều tay, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả hơn trong nửa nhiệm kỳ còn lại”?.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm.

Đây là một trong số gần 30 câu hỏi gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 6. Mặc dù trong chương trình kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ không phải là người trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn mà chỉ báo cáo và làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Tuy nhiên, sau khi báo cáo những nội dung đặc biệt quan trọng trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã dành một số thời gian để trả lời những câu hỏi của ĐBQH gửi đến đích danh Thủ tướng. Câu hỏi của ĐBQH Quyết Tâm đã được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn trả lời đầu tiên.

“Những ngày qua các đại biểu đã chuyển trực tiếp chất vấn gần 30 đại biểu đối với Thủ tướng. Tôi sẽ cố gắng chuẩn bị, trả lời lần lượt ngắn gọn nhất, số còn lại sẽ trả lời bằng văn bản đầy đủ đến từng đại biểu Quốc hội...", Thủ tướng nói trước khi trả lời các câu hỏi của ĐBQH.

Trước khi báo cáo với Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cảm ơn sự tín nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội dành cho Thủ tướng cũng như các thành viên Chính phủ. “Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội dù tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp đều có chung ý nghĩa thôi thúc Chính phủ trong việc thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước còn rất nhiều thách thức ở phía trước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi đầu tiên của ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, Thủ tướng đánh giá “Câu này rất là lý thú”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng cho rằng, năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài, nhưng đều nằm trên 1 cổ tay và cổ tay đó đã chụm lại trước sự đoàn kết, nhất trí trong Chính phủ với 30 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và 6 đồng chí ở Bộ Chính trị.

Có một câu tiếp theo nữa là "trăm dâu đổ đầu tằm", người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong một số lĩnh vực còn yếu kém. Từ đó phải có biện pháp nào? Thủ tướng nêu một vài biện pháp lớn.

Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tốt hơn cả Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh. “Thực tế tôi đã nói, một chính sách nhưng có địa phương, ngành này làm tốt, ngược lại còn có sự trì trệ sai sót do điều hành gây ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Việc thứ hai, theo Thủ tướng là các thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn, đổi mới phương pháp công tác, nhất là phương pháp nêu gương, kiểm tra các cục, vụ, viện và cán bộ thực hiện đúng quy chế làm việc, chấm dứt tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

Thứ ba là tự rèn luyện, tự học tập, đổi mới sáng tạo, sát dân, sát cơ sở, sát địa phương để không "đuổi gà qua đám giỗ", làm rất sơ sài, vô trách nhiệm, sợ gian khổ.

Thứ tư, cũng là biện pháp cuối cùng, nếu làm không được, vi phạm nặng thì phải thay đổi công tác cho phù hợp...