Văn hoá

Phiên chợ cổ hoài niệm giữa lòng Thủ đô có giá “trên trời”, mỗi năm chỉ họp một lần

Chợ đồ cổ chỉ họp một phiên duy nhất vào cuối năm nhưng vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều người dân Thủ đô đến để thưởng lãm.

Đối với người Việt Nam, chợ là không gian văn hóa và là nơi gắn bó với lối sống của biết bao thế hệ. Tùy vào đặc điểm địa lý, phong tục tập quán của từng vùng miền sẽ có những phiên chợ độc đáo mang màu sắc riêng biệt. Khi nhắc đến những phiên chợ chỉ họp duy nhất một lần trong năm chúng ta không thể không nhắc đến chợ tình Khau Vai ở Hà Giang, chợ Viềng ở Nam Định hay phiên Lá ở Tây Ninh…

Chợ đồ cổ chỉ họp một lần trong năm từ ngày 20-30 tháng Chạp.

Giữa lòng Thủ đô Hà Nội cũng có một phiên chợ cổ “có một không hai” như vậy. Phiên chợ đồ cổ ở phố Hàng Lược mang đến những món hàng cũ kỹ đầy hoài niệm một thời và có giá "trên trời".

Phiên chợ đồ cổ, đồ cũ, đồ giả cổ chỉ họp phiên duy nhất một lần trong năm tại phố Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điều đặc biệt ở phiên chợ này chỉ họp vào những ngày cận Tết Nguyên đán ở trong khu vực chợ hoa Tết truyền thống.

Phiên chợ bày bán đa dạng các mặt hàng đồ cổ.

Khu chợ bán đồ cổ, đồ cũ không chỉ thu hút người đến mua bán hàng mà còn trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm của những người chơi đồ cổ đất Hà Thành và các tỉnh lân cận.

Đặt chân đến với chợ đồ cổ này, khách hàng thường sưu tập đồ cổ và mua đồ về trang trí trong nhà, cũng có những người đến đây chỉ để ngắm, đi chơi vào những ngày giáp Tết. 

Hàng nghìn món đồ được bày bán rất phong phú và đa dạng khiến cho khu chợ mỗi năm chỉ họp một lần này lúc nào cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nổi bật ở khu chợ là bán các linh vật đại diện cho từng năm. 

Đây cũng là điểm hẹn cuối năm của những người mê đồ cổ.

Không như những chợ khác, khách đến chợ là phải mua bán, còn ở chợ đồ cổ, đồ cũ ai cũng có thể ngồi ngắm nghía, mân mê, tần ngần hồi lâu rồi lại đặt đồ xuống mà không sợ bị chủ hàng phàn nàn. Nếu có muốn tìm hiểu lai lịch xuất xứ về món đồ, khách cũng nhận được sự giải thích nhiệt tình, nhã nhặn của các chủ hàng.

Có thâm niên bán tại phiên chợ đồ cổ này hơn 20 năm, anh Ngọc chia sẻ với PV báo Tuổi Trẻ: “Tôi bày bán đồ ở đây để thoả đam mê là chính chứ không để ý lắm đến kinh tế. Bởi có những món đồ cổ hàng trăm năm, phải chịu khó săn lùng mãi mới tìm được. Sưu tầm cả năm, cuối năm lại bày ra đây bán, mong tìm được người có cùng đam mê với mình là vui rồi”.

Các sản phẩm trong chợ thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng.

Giá mặt hàng các loại đồ cổ ở chợ cũng phong phú dao động từ vài chục nghìn đến cả trăm triệu tùy vào từng chủng loại, mặt hàng. Chính bởi điều này mà một số khách hàng sành đồ cổ hàng năm vẫn mua hàng ở đây cho hay, người mua cần xem xét thật kĩ các mặt hàng bán ở phiên chợ và mặc cả phù hợp, thuận mua vừa bán dù chỉ là món đồ nhỏ.

Tại phiên chợ, những đồng tiền đã ngưng phát hành nhiều năm được mang ra bày bán.

Đi chợ đồ cổ ở phố Hàng Lược là để cảm nhận không khí Tết cận kề, đối với những người Hà Nội, đi chợ đồ cổ những ngày cuối năm dường như là cái thú để hoài niệm về một không gian xưa.

T.C (tổng hợp)