Thế giới

Phiên bản mạnh nhất của chiến đấu cơ F-16 vẫn “đắt như tôm tươi”

Những chiến đấu cơ F-16 Block 70/72 vẫn được sản xuất nhưng chỉ để xuất khẩu vì Không quân Mỹ không còn mua bất kỳ chiếc F-16 nào nữa.

F-16 Fighting Falcon (Chim Cắt) là máy bay chiến đấu đa chức năng một chỗ ngồi, có tính linh hoạt cao, được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 1978. Ban đầu nó được phát triển cho Lực lượng Không quân Mỹ.

Mặc dù vốn được hình thành như một máy bay không chiến quần vòng (dogfight) chiếm ưu thế trên không, những chiếc F-16 hạng nhẹ đã được cải tiến mạnh mẽ để giờ đây có thể phục vụ nhiều vai trò khác nhau.

Với hơn 4.600 chiếc được sản xuất và nhiều chiếc vẫn đang được khách hàng trên toàn thế giới đặt hàng, chiến đấu cơ này vẫn “đắt như tôm tươi” và là một trong những tiêm kích thành công nhất mọi thời đại.

Trên thực tế, cả F-16 mới và cũ đều được săn đón, đặc biệt là tiêm kích F-16V (Viper), hay còn có tên là F-16 Block 70/72 – phiên bản mới nhất và mạnh nhất trong gia đình chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon.

Block 70/72 có lẽ cũng là biến thể cuối cùng của dòng F-16 và có thiết kế khác biệt “một trời một vực” so với máy bay nguyên bản được sản xuất vào cuối những năm 1970-1980.

Ngày nay F-16 Block 70/72 vẫn được sản xuất, nhưng chỉ để xuất khẩu vì Không quân Mỹ không còn mua bất kỳ chiếc F-16 nào nữa. Theo Simple Flying, hiện có 5 quốc gia trên thế giới vẫn đang đặt hàng F-16 thuộc nhiều biến thể, cả mới sản xuất và đã qua sử dụng.

Ukraine

Thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào Ukraine khi nước này chuẩn bị tiếp nhận những chiếc F-16 cũ từ các đồng minh. Dự kiến những chú “Chim Cắt” sẽ được tung ngay vào cuộc xung đột đang không ngừng tăng nhiệt với Nga.

Ukraine không đặt mua F-16 Fighting Falcon. Quốc gia Đông Âu đang chờ các đồng minh thân cận tặng chiến đấu cơ. Có điều chắc chắn là Kiev đang rất cần các máy bay chiến đấu phương Tây có năng lực cao hơn để bổ sung và thay thế các loại máy bay phản lực cũ kỹ từ thời Liên Xô như MiG-29 và Su-24 trong kho của mình.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) gặp Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen (phải) khi ông đến thăm Căn cứ Không quân Skrydstrup của Không quân Hoàng gia Đan Mạch, ngày 21/8/2023. Trong chuyến thăm căn cứ, ông Zelensky đã kiểm tra các máy bay phản lực F-16. Ảnh: TWZ

Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy và Bỉ đang chuyển giao một số máy bay F-16 Block 15/20 của họ cho Ukraine. Những máy bay phản lực này sẽ ngừng hoạt động khi các quốc gia này nâng cấp phi đội của họ lên với chiến đấu cơ tàng hình F-35 Lightning II (Tia chớp) thế hệ thứ 5.

Hơn 60 chiến đấu cơ F-16 đã được hứa tặng và “Chim Cắt” dự kiến sẽ bắt đầu đến Ukraine vào mùa hè này, nhưng một số trong số chúng chỉ có thể được sử dụng làm nguồn cung cấp phụ tùng thay thế.

Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ đang mua vài chục chiếc F-16 Block 70 mới và nâng cấp một số trong phi đội F-16 hiện có của mình.

Doanh số bán máy bay chiến đấu thường bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng mua máy bay chiến đấu F-35 thế hệ thứ 5, nhưng vào phút cuối, Washington đã loại Ankara ra khỏi chương trình.

Điều này nhằm đáp trả việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga, điều mà Mỹ lo ngại có thể làm suy yếu các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 được đánh giá cao của họ.

Có thể là một phần của thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập NATO và Mỹ đã chấp thuận việc bán máy bay chiến đấu F-16 Block-70 (cùng với 79 bộ dụng cụ hiện đại hóa cho những chiếc F-16 hiện có của Thổ Nhĩ Kỳ).

Reuters đưa tin rằng thỏa thuận này dành cho 40 chiếc F-16 Block-70 mới. Thổ Nhĩ Kỳ đã có một phi đội gồm hơn 200 chiếc F-16 Block 30/40/50 cũ hơn, khiến nước này trở thành một trong những nước sở hữu phi đội F-16 lớn nhất trên thế giới ngoài Mỹ.

Một chiếc F-16 Block 70 tại Greenville, Nam Carolina. Ảnh: Lockheed Martin

Bulgaria

Những chiếc F-16 Block 70 mà Bulgaria đặt hàng hiện đang được lắp ráp và dự kiến sẽ bắt đầu nhận hàng vào năm 2024.

Bulgaria hiện đang vận hành một trong những lực lượng không quân lâu đời nhất ở châu Âu với nhiều loại máy bay cũ từ thời Liên Xô.

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã thúc đẩy quốc gia Đông Âu tăng tốc hiện đại hóa  phi đội chiến đấu cơ của mình, mặc dù hợp đồng mua F-16 đã được ký trước thời điểm xung đột bùng phát.

Bulgaria dự kiến sẽ trở thành quốc gia châu Âu thứ 2 nhận được F-16 Block 70. Việc lắp ráp những chiếc F-16 đầu tiên của Bulgaria đã bắt đầu ở Greenville, Nam Carolina. 

Những chiếc Block 70 mới lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất sẽ bay lần đầu tiên trên bầu trời Đông Âu vào năm 2024, với hợp đồng ban đầu là mua 8 chiếc máy bay, và hợp đồng tiếp theo bao gồm 8 chiếc nữa sẽ được bàn giao từ năm 2027.

Slovakia

Slovakia là quốc gia Đông Âu đầu tiên nhận được F-16 Block 70, loại máy bay sẽ tạo thành năng lực tấn công cốt lõi của nước này.

Slovakia dưới thời những người tiền nhiệm của Thủ tướng Robert Fico là một trong những nước sớm ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Bratislava đã tặng phi đội MiG-29 cũ kỹ của mình cho Kiev, khiến Slovakia tạm thời không có máy bay chiến đấu.

Quốc gia Đông Âu đang đặt hàng 14 chiếc F-16 Block 70 được chế tạo mới theo hợp đồng được ký vào tháng 12/2018, khi đó trị giá khoảng 1,8 tỷ USD.

Lockheed Martin báo cáo vào tháng 1 năm nay rằng họ đã giao 2 chiếc F-16 đầu tiên cho Slovakia. Theo Airforce Technology, nhóm F-16 đầu tiên dự kiến sẽ đến Slovakia vào giữa năm 2024, và nhiều hơn nữa dự kiến vào năm 2025.

Slovakia đã đặt mua 12 chiếc F-16C một chỗ ngồi và 2 chiếc F-16D Block 70 hai chỗ ngồi. Hợp đồng này còn bao gồm Tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến Raytheon AIM-120C7 (AMRAAM) và tên lửa Sidewinder.

Chiến đấu cơ F-16AM của Không quân Hoàng gia Đan Mạch. Ảnh: TWZ

Một chiếc F-16D Block 70 của Không quân Hoàng gia Bahrain. Ảnh: TWZ

Argentina

Argentina sắp nhận được những chiếc F-16 Block 15/20 từ Đan Mạch. Reuters đưa tin Argentina đã ký thỏa thuận mua 24 máy bay phản lực cùng với động cơ, phụ tùng và thiết bị mô phỏng dự phòng.

Theo trang F-16.net, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen đã đến Argentina vào ngày 26/3 để ký thỏa thuận bán 24-28 máy bay chiến đấu F-16MLU mà Không quân Đan Mạch (RDAF) muốn cho “nghỉ hưu”. Thương vụ trị giá khoảng 300 triệu USD.

Minh Đức (Theo Simple Flying, National Interest, F-16.net)