Dân sinh

Phí qua phà An Phú Đông tiếp tục "nhảy múa" như ma trận

Bến phà An Phú Đông lại lần thứ ba điều chỉnh tăng giá trong ít ngày, sau phản ánh của báo Người Đưa Tin.

Sau bài viết “Bất thường bến đò tăng giá trong khi đang xây dựng cầu” đăng tải trên báo Người Đưa Tin, PV tiếp tục nhận được phản ánh từ người dân về những dấu hiệu “bất thường” tại bến phà An Phú Đông (qua sông Vàm Thuật, nối quận Gò Vấp với quận 12, TP.HCM).

Chị H., ngụ quận 12, TP.HCM đặt câu hỏi: "Tôi chẳng hiểu sao bến phà này thông báo tăng phí rồi ngưng, rồi lại tăng cao hơn sau đó lại giảm. Không biết họ làm việc có đúng quy định không và phí cứ "nhảy múa" như vậy, ai là người hưởng lợi?".

Thông báo mới nhất tăng phí qua phà An Phú Đông.

Theo đó, mức giá mới thu tiền đò tại bến An Phú Đông được ban quản lý bến đò niêm yết chính thức kể từ ngày 26/3 (sau 2 lần thay đổi, có điều chỉnh).

Cụ thể mức thu tiền đò được quy định mới như sau: Người đi bộ 2 nghìn đồng/lượt; Người + xe đạp là 2,5 nghìn đồng/lượt; Người + xe máy là 3 nghìn đồng/lượt; 2 người và xe máy là 5 nghìn đồng/lượt.

Như vậy từ ngày 18 đến ngày 26/3, việc tăng phí phà An Phú Đông đã liên tục thay đổi 3 lần. Điều này khiến người dân hồ nghi về việc tăng phí có đúng quy định và có sự chỉ đạo sát sao từ phía chính quyền địa phương hay không? Việc tăng phí "tự do" (nếu có), ai là người hưởng lợi?

Trao đổi với PV, ông Võ Tấn Khoa, Chủ tịch UBND phường An Phú Đông lý giải, sau phản ánh của báo chí và người dân, mới đây lãnh đạo phường đã đến vận động chủ phà giảm giá để người dân bớt bức xúc.

“Hôm 24/3,  đồng chí Bí thư đảng ủy phường có đến gặp chủ bến phà vận động nên chủ phà giảm giá”.

PV cũng đã liên hệ với chủ bến phà An Phú Đông, tìm hiểu thêm nguyên nhân vì sao việc bến phà lại có những thay đổi trong các thông báo như trên. 

Đại diện chủ phà, bà Tám Đ. cho hay, sở dĩ ngày 18/3 có thông báo tăng phí là do trước đó chủ phà nhận được thông báo từ quận cho phép tăng phí qua phà.

Tuy nhiên, sau khi ra thông báo, nhiều người dân họ ý kiến nên phường xuống làm việc. Vì thông báo đưa ra quá gấp, người dân không được biết trước nên yêu cầu chủ phà điều chỉnh thông báo trước, đến ngày 20/3 mới áp dụng.

Đến ngày 20/3, sau khi mức phí mới được công bố (mức phí này tăng gấp đôi so với trước), thêm một lần nữa lãnh đạo phường An Phú Đông lại phải xuống làm việc với chủ phà, vận động tăng giá sao cho hợp lý.

Bởi người dân gặp khó khăn trong khi đang phải chống dịch Covid-19. Từ đó mới có thông báo điều chỉnh phí áp dụng từ ngày 26/3.

“Tôi thừa nhận có sai sót vì thông báo tăng phí mà chưa được UBND phường phê duyệt, tuy nhiên sau khi có yêu cầu thì tôi cũng đã điều chỉnh cho hợp lý. Việc tăng giá do chúng tôi tự quyết. Tuy nhiên, theo quy định tôi nhận được thì có thể tăng tối đa với khách đi bộ không quá 12 nghìn đồng, nên tôi tăng gấp đôi hết”, chủ bến phà cho biết.

“Chẳng lẽ mức phí cũ người đi bộ là 1 nghìn đồng nay tôi tăng lên 1,5 nghìn đồng. Như vậy họ cũng không có tiền lẻ đóng và chúng tôi cũng không có tiền  trả lại, nên tôi tăng gấp đôi và mức tiền đều chẵn”, chủ phà giải thích.

Theo chủ phà, bến đò này gia đình bà đấu thấu khai thác đã mấy chục năm nay. Vốn hoàn toàn của tư nhân, bà chỉ phải đóng thuế cho nhà nước.

Hai thông báo trước đó được ban quản lý phà đưa ra, thay đổi trong ít ngày.

Như đã đưa tin, sáng ngày 18/3, ban quản lý bến đò An Phú Đông bất ngờ treo bảng ấn định giá thu tiền, tiền đò tăng gấp đôi so với trước.

Điều này dẫn đến việc người dân phản ứng, vì sao lại phải tăng giá? Có hay không việc bến đò An Phú Đông đang “tận thu” trong thời gian thi công cầu An Phú Đông?

Đến chiều cùng ngày, ban quản lý đò An Phú Đông đã “hạ” thông báo và quay về mức thu phí bình thường.

Sau đó đến ngày 20/3, ban quản lý bến đò này lại một lần nữa treo thông báo “tăng tiền đò” theo đúng mức giá gấp đôi như đã công bố ngày 18.

Đến ngày 26/3 mức phí lại lần nữa thay đổi hạ xuống thấp hơn từ 500 đến 1 nghìn đồng/lượt.

Điều đáng nói, việc tăng phí qua phà được đưa ra vào thời điểm cầu sắt bắc qua sông tại khu vực này đang trong giai đoạn thi công, dự tính hoàn thiện trong vòng từ 3 đến 6 tháng tới.