Sức khỏe

Phẫu thuật cứu sống bệnh nhân tự dùng dao đâm thấu tim nguy kịch

Ê-kíp bác sĩ bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phẫu thuật, cứu sống bệnh nhân dùng dao tự đâm vào ngực trái thấu tim nguy kịch.

Tự dùng dao đâm thấu tim

Ngày 2/2, thông tin từ bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, các bác sĩ bệnh viện vừa phẫu thuật thành công bệnh nhân với vết thương tim nặng trong tình trạng ngừng tim nguy kịch.

Bệnh nhân được xác định là L.T.D.T., 33 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ, nhập viện vào lúc 11h ngày 28/1 trong tình trạng sốc mất máu nặng, với vết thương ngực trái liên sườn 4. Bệnh nhân lơ mơ, vật vã, da niêm nhợt, huyết áp khó đo,...

Qua tìm hiểu, được biết trước đó bệnh nhân T. đã lấy dao Thái Lan tự đâm vào ngực trái.

Ê-kíp bác sĩ tiến hành phẫu thuật cứu sống bệnh nhân T..

Các bác sĩ khoa cấp cứu thực hiện quy trình báo động đỏ nội viện, vừa hồi sức tích cực và bỏ qua mọi thủ tục hành chính.

Khẩn cấp chuyển thẳng bệnh nhân lên phòng phẫu thuật với chẩn đoán: Vết thương tim có chèn ép tim cấp. Các bác sĩ vừa hồi sức tích cực vừa tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

Ê-kíp phẫu thuật do Bs.CK2 Trầm Công Chất, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Ths.Bs Trần Thanh Thanh Bình, Bs Danh Lâm, khoa Ngoại Tổng hợp, Bs.CK2 Nguyễn Thanh Liêm, khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức tiến hành mở ngực trái ở khoang liên sườn 4-5.

Trong lúc mở ngực tim ngừng đập, phẫu thuật viên tiến hành xoa bóp tim trực tiếp, sau khoảng 90 giây tim đập trở lại.

Ca phẫu thuật diễn ra thành công sau 90 phút. Ngay sau khi vết thương thủng tim được xử lý và hồi sức tích cực: Mạch, huyết áp và nhịp tim của bệnh nhân ổn định dần.

Đến sáng 2/2, bệnh nhân tỉnh, tự thở, mạch, huyết áp ổn định, vết mổ khô, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị  tại đơn vị hồi sức của khoa gây mê.

Cách sơ cứu vết thương tim

Theo Bs.CK2 Trầm Công Chất, vết thương tim là một tổn thương rất nặng và ít gặp của vết thương ngực. Vết thương tim cần được ưu tiên số một trong chẩn đoán, vận chuyển và xử lý.

Những nghiên cứu gần đây cho đều thấy, nguyên nhân trong tai nạn bạo lực (dao, mũi kéo, que sắt nhọn, kiếm… ) chiếm tới 100% với rất nhiều điểm khác biệt trong chẩn đoán, xử trí, tiên lượng.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân T. tỉnh và đang được theo dõi điều trị.

Vết thương tim do vật sắt nhọn là một trong những cấp cứu ngoại khoa tối khẩn. Đây là những tổn thương rất nghiêm trọng, có thể khiến ngừng tim nhanh chóng không thể hồi phục.

Phẫu thuật vết thương tim rất phức tạp, độ khó cao, đòi hỏi phẫu thuật viên chuyên khoa giàu kinh nghiệm, có khả năng khâu vết thương một cách khẩn trương đúng kỹ thuật trên quả tim đang đập.

Đồng thời, phải có sự phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương của nhiều chuyên khoa.

Sơ cứu sau khi bị thương vết thương tim chủ yếu được thực hiện tại hiện trường hoặc cơ sở tiếp đón ban đầu với mục đích kéo dài tối đa sự sống của bệnh nhân cho đến khi được phẫu thuật.

Không lấy bỏ dị vật nếu còn dị vật trên ngực. Nhanh chóng chuyển thẳng bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng thực hiện các phẫu thuật lớn.

Thanh Lâm