Sự kiện

Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm

Mô hình kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân, quảng bá rộng rãi nông sản Việt Nam đến với thị trường thế giới.

Nhằm kết nối, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ nông sản của tỉnh Long An, sáng 11/12, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An tổ chức diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản với chủ đề "Kết nối giao thương nông sản giữa Long An và các tỉnh, thành phố". Đây là phiên thứ 15 trong khuôn khổ diễn đàn kết nối nông sản 970 được tổ chức định kỳ sáng thứ 7 hàng tuần.

Nông nghiệp Long An và những nguyên nhân gây khó cho việc tiêu thụ

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, ông Nguyễn Minh Lâm cho biết, Long An hiện có khoảng 300.000 ha đất nông nghiệp, sản lượng lúa hàng năm đạt 2,9 triệu tấn/năm, trong đó, lúa chất lượng cao chiếm 55,1% với 1,6 triệu tấn. Nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 15,32% trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh.

Ngoài mặt hàng nông sản chủ lực là lúa, Long An còn nhiều mặt hàng nông sản mang giá trị kinh tế cao như thanh long (350 nghìn tấn), chuối (10,2 nghìn tấn), mít (16 nghìn tấn)….và rau các loại (200 nghìn tấn).

Lúa gạo là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Long An

Ngành chăn nuôi của tỉnh cũng phát triển với đàn gia cầm lên đến 9,2 triệu con, lợn 85 nghìn con, 120 nghìn con bò và 42 cơ sở chế biến, giết mổ tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Long An còn có một lợi thế lớn về thủy sản khi sản lượng toàn tỉnh ước đạt 72 nghìn tấn/năm, mặt hàng tôm nước lợ cho sản lượng 15 nghìn tấn.

Bên cạnh những mặt hàng nông sản chủ lực, nông nghiệp Long An còn dư địa phát triển rất lớn với các sản vật địa phương nổi tiếng như gạo nàng thơm Chợ Đào, thanh long Châu Thành, dưa hấu Long Trì…

Giai đoạn 2021-2025 sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết thêm, do ảnh hưởng từ đại dịch, tiêu thụ nông sản của tỉnh trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Kèm theo đó là chi phí giá con giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón…tăng cao khiến người dân e ngại khi tái đàn sản xuất. Ông bày tỏ mong muốn thông qua diễn đàn sẽ đẩy mạnh công tác tiêu thụ nông sản của tỉnh, giúp người dân ổn định sản xuất.

Bà Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc giao dịch nhà cung cấp Saigon Co.op bày tỏ sự quan tâm đến các sản phẩm OCOP của Long An đồng thời lý giải cho việc nông sản sản xuất thủ công khó lên kệ của hệ thống siêu thị:

“Nhiều sản phẩm nông sản của chúng ta có chất lượng rất tốt nhưng không thể truy xuất được nguồn gốc, quy trình, tiêu chuẩn sản xuất. Đây chính là khó khăn lớn nhất khiến nhiều siêu thị không dám nhập hàng”.

Bà Tuyền kiến nghị, Long An cần có phương án giúp người dân có nhận thức về chế biến, bảo quản nông sản, hướng dẫn quy trình cụ thể từ lúc sau thu hoạch đến khi đóng bao bì.

Thấu hiểu những khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản của Long An, đại diện công ty TNHH San Hà cho biết, hiện đơn vị đã triển khai chuỗi siêu thị trên địa bàn tỉnh nhằm trợ giúp người dân. 

"Hiện tại, thị trường Tp. HCM vẫn chưa hồi phục hoàn toàn nên trước mắt, sẽ là giai đoạn khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản cho các tỉnh đầu mối, trong đó có Long An".

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) mang đến thông tin xuất khẩu đáng chú ý khi cho biết, thông tin từ Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 10/12, hiện có 4.000 xe vận chuyển đang ùn ứ tại Lạng Sơn, 800 xe vận chuyển thủy sản đông lạnh và 300 container hoa quả chưa thể thông quan tại cửa khẩu Móng Cái. Theo ông Hòa, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là năng lực thông quan tại các cửa khẩu như Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma giảm 50% so với trước đây.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT)

Nhằm tránh thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, ông Hòa khuyến cáo Long An nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung, cần kiểm tra kỹ chất lượng sản phẩm, có kế hoạch xuất khẩu phù hợp… tránh tình trạng hàng phải “nằm chờ” gây gia tăng chi phí.

Phát triển nông nghiệp cần gắn với du lịch trải nghiệm

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng trường Đại Học Bách Khoa - Đại Học Quốc Gia Tp.HCM nêu bật vai trò của ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao sản lượng- chất lượng và tối đa hóa lợi nhuận.  

Theo PGS Phúc, để nâng cao chất lượng nông sản, Long An cần phát triển chuỗi sản phẩm chủ lực, đa dạng hóa các sản phẩm nông sản thông qua các hình thức chế biến thành thực phẩm chức năng, gia vị, phụ phẩm…Song song với đó là đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng nông sản sau thu hoạch, giúp kết nối giữa nhà nông với hệ thống cung ứng và nhà phân phối.  

8 bước ứng dụng công nghệ thông minh trong nông nghiệp

Ở một góc nhìn khác, Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong (Đại học KHXH&NV- ĐHQG Tp.HCM) cho rằng, cần đưa nội dung phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo bà Trang, ngoài những mục tiêu cơ bản như an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng nông sản, xu hướng tiêu dùng thế giới đang ngày càng hướng tới “nông sản đẹp”.

Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong nêu dẫn chứng, mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch tại Hàn Quốc đã giúp nông dân nâng cao thu nhập cao hơn 8% so với cách làm truyền thống. Hay như ở các vùng nguyên liệu sản xuất rượu vang tại Pháp, hàng tuần đều tổ chức tour du lịch cho khách đến tham quan và trải nghiệm. Điều này đã giúp cho danh tiếng rượu vang của Pháp vươn tầm thế giới.

Đồng thuận với ý kiến của Tiến sĩ Trang, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc công ty Vina T&T cho rằng, việc gắn phát triển nông nghiệp với du lịch là “một mũi tên trúng nhiều đích”, khách du lịch sẽ là những kênh quảng bá miễn phí, giúp lan tỏa nông sản Việt ra thế giới.

“T&T hiện đã xây dựng một số tour cho khách du lịch về các vùng nguyên liệu, nhà máy sơ chế nông sản. Phản hồi từ phía khách hàng sau những tour du lịch trên là rất tốt”, ông Tùng cho biết thêm.

Tổng giám đốc công ty Vina T&T, Nguyễn Đình Tùng

Giám đốc Vina T&T cũng kiến nghị, thay vì chỉ tập trung vào thị trường truyền thống là Trung Quốc như trước đây, nông sản Việt Nam cần đẩy mạnh việc xuất khẩu sang các thị trường xa hơn như Mỹ và EU. Bởi đây là các thị trường đem lại giá trị kinh tế rất lớn.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý Long An cần phát huy hơn nữa thế mạnh về vị trí khi là cửa ngõ phía Tây của thị trường lớn nhất cả nước là Tp.HCM.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (ảnh chụp màn hình)

Thứ trưởng đề nghị, tỉnh cần tập trung phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng các trung tâm dịch vụ, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, tiến tới đa dạng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. Theo Thứ trưởng, gắn du lịch với xây dựng nông thôn mới là một hướng đi hoàn toàn phù hợp với hoạch định phát triển của Bộ NN-PTNT trong thời gian tới.

“Hiện Bộ NN-PTNT xây dựng chiến lược hợp tác với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch nhằm phát triển loại hình này, nâng cao giá trị nông sản Việt. Long An là một trong những tỉnh nằm trong đề án xây dựng 5 vùng nguyên liệu tập trung trên cả nước của Bộ NN-PTNT. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ nhận được rất nhiều những hỗ trợ về mặt kỹ thuật, công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm…”.