Kinh tế vĩ mô

Phát triển kinh tế số phải đảm bảo an ninh mạng cho khu vực nông thôn

Chuyển đổi số ngân hàng hướng tới mục tiêu phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Sáng 13/10, Hội thảo “Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân” đã được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận về lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho mỗi người nông dân; cũng như chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong khuôn khổ pháp lý về luật giao dịch điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử, tình trạng mất cắp tài khoản, mua bán dữ liệu, nhận thức của các bộ, ngành, địa phương, người dân.

Theo ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: “Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những 8 lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số, trong đó, người nông dân là trung tâm của chuyển đổi số”. 

Xác định chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nhằm tạo sự bứt phá mạnh mẽ về tăng năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước cũng như nâng cao đời sống cho người dân.

Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) nếu quan điểm, chuyển đổi số ngân hàng hướng tới mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm… phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa người có thu nhập thấp, người yếu thế.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước).

Về một số định hướng, giải pháp trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết, Ngân hàng Nhà nước phấn đấu, 50% người dân sử dụng dịch vụ trên môi trường điện tử, đến 2025 có 50% quyết định cho vay nhỏ lẻ. Việc này, liên quan tới hỗ trợ phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, nông thôn. Đồng thời, phấn đấu đến 2030 đạt con số 75%.

"Với chỉ tiêu trên, chúng tôi hướng đến cung cấp các dịch vụ, sản phẩm số đến người dân, đặc biệt, người Nông dân ở vùng sâu, vùng xa. Về pháp lý, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai nhiều nội dung hỗ trợ công tác này để đảm bảo các hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán để triển khai cung cấp dịch vụ tới người dân", ông Tuấn nói. 

Chia sẻ về các chính sách thúc đẩy tài chính cho nông thôn, Bà Mai Thị Thanh Bình - Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin Truyền thông) cho biết: “Vấn đề đặt ra ở đây phải giải quyết bài toán quy mô sản xuất ở nông thôn hiện nay còn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết chưa trở thành chuỗi sản xuất. Đặc biệt, lao động ở khu vực nông thôn còn thủ công, chưa được đầu tư máy móc hiện đại như một số khu vực khác”.

Đồng thời, bà Bình cũng chỉ ra thực tế, người dân ở khu vực nông thôn sản xuất vẫn còn phụ thuộc vào thời tiết, dịch bệnh và đặc biệt kết nối với thị trường tiêu thụ còn yếu nên đầu ra vẫn là trở ngại lớn.

Toàn cảnh sự kiện.

Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số bà Bình chỉ ra một số khó khăn, thách thức khi khu vực nông thôn sẽ phải nâng cấp hạ tầng internet và băng thông rộng đến tận thôn, bản đảm bảo phổ cập gói cước truy cập internet phù hợp với thu nhập của người dân.

Từ đó, giải pháp được đại diện Bộ TT&TT đưa ra là đưa cáp quang băng rộng đến từng hộ gia đình. Khi đã có hạ tầng kết nối, Chính phủ sẽ phổ cập thiết bị di động thông minh để đảm bảo ít nhất mỗi gia đình sẽ có 1 thiết bị thông minh và tiến tới mỗi người dân sẽ có 1 thiết bị thông minh trong thời gian tới. Đã có 78% số lượng thuê bao đang sử dụng thiết bị điện thoại thông minh và để phổ cập 22% còn lại sẽ phải phổ cập bằng sự tổng hợp của nhiều người lực từ địa phương, nhà mạng và từ xã hội hoá.

Đặc biệt, để nâng cao kỹ năng số cho người dân, các Tổ công nghệ số cộng đồng và nền tảng học trực tuyến đại trà để cung cấp các bài giảng miễn phí để người dân chủ động bồi dưỡng kỹ năng số.

Bà Bình nhấn mạnh: “Phát triển Kinh tế số cũng phải đảm bảo an toàn an ninh mạng cho khu vực nông thôn. Để làm được điều đó, Việt Nam sẽ chỉ đưa vào vận hành những nền tảng đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh mạng. Các tổ Công nghệ số cộng đồng hướng dẫn, khuyến khích người dân cài đặt ứng dụng an toàn, an ninh mạng miễn phí trên thiết bị thông minh”.

Chuyển dịch vai trò bảo đảm an toàn thông tin mạng về các doanh nghiệp nền tảng số lớn, các doanh nghiệp viễn thông, đảm bảo 100% người dân được bảo vệ an toàn thông tin ở mức cơ bản. Với các công tác đảm bảo an ninh như trên đáp ứng 100% người dân được bảo đảm an toàn, an ninh mạng ở mức cơ bản.