Bất động sản

Phát triển đô thị thông minh - hướng đi đúng đắn cho các đô thị

Trên cả nước hiện nay đã có 41/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.

Ban Kinh tế Trung ương – cơ quan chủ trì tổ chức thường niên Diễn đàn Công nghiệp 4.0 sáng 10/11 đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.  Đây là 1 trong 10 Hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0 với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số” tổ chức từ ngày 9/11 đến ngày 6/12.

Hội thảo với chủ đề “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng 10/11.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Thành Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay: Trong xu thế đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh ngày càng gia tăng, việc phát triển đô thị thông minh được Việt Nam xác định là một hướng đi đúng đắn cho các đô thị. 

Đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, trong đó có đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh và đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh.

Tuy vậy, ông Nguyễn Thành Phong nhìn nhận việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn gặp một số khó khăn chính: Nhận thức về Đô thị thông minh từ nhu cầu của nhà quản lý (lãnh đạo ở địa phương), nhu cầu cung cấp sản phẩm của cộng đồng doanh nghiệp/chủ đầu tư hay từ nhu cầu thụ hưởng các dịch vụ của người dân chưa được nâng cao; tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch ĐTTM và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ; sự tham gia của cộng đồng, các thành phần kinh tế trong xây dựng ĐTTM còn hạn chế; việc triển khai ĐTTM còn riêng lẻ, manh mún; các ĐTTM chưa mang tính đặc thù cho mỗi đô thị; nguồn lực cho phát triển ĐTTM bao gồm cả nguồn vốn và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Quang Hùng, Thứ trưởng, Bộ Xây dựng khẳng định: “Đô thị hóa (ĐTH) có một vai trò quan trọng trong sự tiến bộ của kinh tế và xã hội. ĐTH là một quá trình tất yếu để phát triển”.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, ĐTH có thể có một số bất cập kèm theo nhưng ĐTH vẫn là quá trình tất yếu và đem lại rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, đem lại chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Thứ hai, gia tăng thu nhập. Thứ ba, tạo cuộc sống tốt hơn cho người dân như là tạo ra tiện ích, tạo ra các trung tâm văn hóa giáo dục và động lực phát triển kinh tế cho cả nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu trong và ngoài nước đã trao đổi, làm rõ các vấn đề sự cần thiết và vai trò của đô thị thông minh, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển một số mô hình đô thị thông minh đã được áp dụng thành công, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong phát triển đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quy hoạch đô thị thông minh, và các giải pháp kỹ thuật cho đô thị thông minh... để từ đó đề xuất những giải pháp và kiến nghị về phát triển đô thị thông minh trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, hội thảo giúp chúng ta nhận diện và làm rõ các vấn đề về phát triển ĐTTM trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến khu vực và đô thị.

Vị Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: "Việc xây dựng phát triển ĐTTM đã bước đầu được triển khai ở một số địa phương của Việt Nam. Tuy vậy cần nhận thức rõ việc phát triển ĐTTM không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan Trung Ương mà còn là sự hợp tác chủ động của chính quyền đô thị, đối tác và cần có được cụ thể hóa trên cơ sở các cục diện cùng thúc đẩy.

Việc đề ra các tiêu chí để xác định ĐTTM rất quan trọng. Chúng ta có thể tham khảo bộ tiêu chí quốc tế ISO 37122 để xây dựng các tiêu chí ĐTTM phù hợp với thực tiễn phát triển và đặc thù của các đô thị Việt Nam.

Quy hoạch trong phát triển ĐTTM là nền tảng và rất quan trọng đối với việc phát triển ĐTTM. Việc đề ra các chiến lược về quy hoạch phù hợp và hiệu quả giúp vạch ra con đường phát triển ĐTTM.

Bên cạnh đó, vai trò của công nghệ đối với sự phát triển ĐTTM là không thể thiếu được. Những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ giúp chúng ta giải quyết các vấn đề đô thị một cách thông minh hơn.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rõ công nghệ chỉ đóng vai trò hỗ trợ, chứ không phải vai trò quyết định trong việc phát triển ĐTTM. Tầm nhìn thông minh sẽ quy định và quyết định mọi hành động. Mỗi thành phố sẽ có tầm nhìn thông minh cho riêng của mình nhưng cái đích cuối cùng phải là sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, tiện ích của người dân và của cộng đồng.

Do đó, để phát triển ĐTTM chúng ta cần có sự cam kết và tham gia rất mạnh mẽ của cộng đồng. Ở đây, bao gồm cả người dân và doanh nghiệp - những đối tượng thụ hưởng những tiện ích của đô thị thông minh".

Nhóm PV thực hiện