Chính sách

Phát sinh khiếu nại phức tạp, khiếu nại mức thu phí tại các trạm BOT

Thủ tướng và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã dành nhiều thời gian chủ trì các cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo nhưng năm 2018 vẫn phát sinh một số khiếu nại phức tạp, nổi bật là khiếu nại mức thu phí tại các trạm BOT.

Khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp

Sáng 14/11, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6. Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2018, tình hình khiếu nại của công dân tăng về số đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước so với năm 2017. Cụ thể như: Tổng số đơn khiếu nại tố cáo tăng 11,8%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo tăng 4,7% nhưng số lượt đoàn đông người không tăng so với năm 2017.

Về khiếu nại, so với năm 2017 tăng 3,3% số đơn và 1,6% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính Nhà nước. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (61,8%).

Về tố cáo so với năm 2017 tăng 41,1% số đơn và 16,3% số vụ việc. Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 59%, tăng 5,6% so với năm 2017.

Báo cáo nhận định: Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2017 đến nay nhìn chung còn diễn biến phức tạo và gay gắt. Tình trạng công dân tụ tập đông người lên Trung ương khiếu kiện gia tăng. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu ở lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc.

Đáng chú ý là một số thế lực đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018.

Công chức bao che cho cấp dưới gây bức xúc

Báo cáo Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, Ủy ban Pháp luật cho rằng, năm nay, Báo cáo của Chính phủ  đã có nhiều đổi mới, phản ánh tình hình với nhiều số liệu cụ thể, có địa chỉ rõ ràng; đánh giá, phân tích những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, đồng thời làm rõ những nguyên nhân cơ bản phát sinh khiếu nại, tố cáo và những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm qua đã có sự chuyển biến tốt hơn so với các năm trước. Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác xây dựng thể chế trong lĩnh vực này, đã trình Quốc hội thông qua luật Tố cáo và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản của Chính phủ; đồng thời, đã nắm chắc tình hình, kịp thời, thường xuyên chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thủ tướng và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã dành nhiều thời gian chủ trì các cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo được dư luận xã hội quan tâm; tổ chức và chủ trì Hội nghị với một số Bộ, ngành và 27 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để bàn giải pháp giải quyết đối với các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, tăng cường việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Qua đó đã mang lại một số kết quả tích cực, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Nội dung khiếu nại, tố cáo cơ bản không có nhiều thay đổi so với các năm trước; khiếu nại vẫn chủ yếu là về đất đai; tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ, bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; một số trường hợp người khiếu nại chuyển sang tố cáo do kết quả giải quyết không đáp ứng được mong muốn...

Bên cạnh đó, thời gian qua đã phát sinh một số khiếu nại phức tạp trong các lĩnh vực kinh tế, dân sự mà không phải là khiếu nại các cơ quan hành chính Nhà nước, như khiếu nại mức thu phí tại các trạm BOT đường bộ; khiếu nại việc không bàn giao nhà, không làm thủ tục cấp sổ đỏ của chủ đầu tư nhà chung cư hoặc chậm tiến độ thi công so với hợp đồng đã ký kết, chậm giải ngân hoặc ngừng giải ngân nguồn vốn đã được ngân hàng ký cam kết…

Đây cũng là những vấn đề thực tế cuộc sống đặt ra, là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện đông người, đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, có hướng giải quyết, xử lý hài hòa quyền lợi của người dân, của nhà đầu tư và của Nhà nước để bảo đảm ổn định xã hội.

Ủy ban Pháp luật tán thành với 4 nhóm nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo như đã được chỉ ra trong Báo cáo của Chính phủ; tuy nhiên, đây chủ yếu vẫn là những nguyên nhân như đã được chỉ ra trong báo cáo các năm trước; chưa có sự phân tích, làm rõ sự khác biệt của năm 2018 so với năm 2017.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước trong năm 2018 tăng lên (tăng 4,7% so với năm 2017), ngược lại với 02 năm gần đây (năm 2016 giảm 8,6% , năm 2017 giảm 14,8% ) để từ đó có giải pháp phù hợp; đồng thời, đề nghị chỉ rõ các quy định của pháp luật chưa phù hợp với thực tế, là nguyên nhân dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo thời gian qua để có hướng sửa đổi, bổ sung.