Tiêu dùng & Dư luận

Phát ngôn của Tổng giám đốc nước sạch Sông Đà là do "trình độ có hạn"

"Việc phát ngôn của anh Tốn tôi cũng đã trao đổi rất kỹ với anh ấy. Anh Tốn xuất phát từ dân kỹ thuật, nên khi thấy sự cố ngoài sức tưởng tượng, do trình độ cũng có hạn nên anh ấy hoảng hốt luống cuống trong việc xử lý", ông chủ thực sự đứng sau công ty nước sạch Sông Đà lần đầu nói về việc xử lý sự cố nước nhiễm dầu.

Sự cố nước ô nhiễm dầu thải do Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cung cấp đang gây “bão” dư luận. Lần đầu tiên sau gần 2 tuần xảy ra sự việc, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GELEX, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cty Thiết bị điện GELEX, chủ sở hữu 65% của Nhà máy nước sạch Sông Đà đã có những phát ngôn chính thức về sự việc này.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GELEX

Theo đó, về việc chậm trễ trong phát ngôn để chấn an dư luận, trao đổi với báo Lao động, ông Tuấn cho rằng sự cố quá khủng khiếp nên việc cần làm ngay là tập trung để xử lý nước cho sạch.

Ông Tuấn cũng thừa nhận “không biết phát ngôn như thế nào, vì hướng dư luận lúc đó hết sức bất lợi cho mình”.  Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GELEX  cũng thẳng thắn thừa nhận sai đâu nhận đó, thiệt hại đến đâu đền bù đến đó chứ không trốn tránh.

Về sự cố này, dư luận từng đặt nhiều câu hỏi rằng vì sao phía nhà máy nước sạch sông Đà không dừng cấp nước ngay khi phát hiện sự cố. Sự việc càng thêm rối rắm khi ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc công ty Nước sạch Sông Đà nói rằng: “Tôi chỉ là người làm thuê” càng khiến dư luận băn khoăn, có hay không việc tiếp tục cấp nước đã biết nhiễm dầu là do đã trao đổi và nhận “chỉ đạo từ xa”.

Giải thích về việc này, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết dù thuộc hệ thống GELEX, nhưng Viwasupco chỉ là công ty cháu  của GELEX, có điều lệ, có hội đồng quản trị riêng nên tự vận hành và quyết định chứ không vừa làm vừa báo cáo lên trên hàng ngày.

Ông Tuấn cho biết, bản thân ông cũng được thông báo khá muộn, do phía công ty nước sạch sông Đà coi đây là một sự việc không nghiêm trọng.

Nói thêm về các phát ngôn của ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc công ty Nước sạch Sông Đà gây phản ứng mạnh của dư luận, ông Tuấn nhận định: “Anh Tốn xuất phát từ dân kỹ thuật, nên khi thấy sự cố ngoài sức tưởng tượng, do trình độ cũng có hạn nên anh ấy hoảng hốt luống cuống trong việc xử lý.

Bản thân doanh nghiệp chỉ tính đến việc đường ống, mưa ngập mang tới chất bẩn chứ chưa bao giờ nghĩ tới kịch bản sẽ có người đổ dầu thải xuống nguồn nước”.  

Cần phải nhắc lại rằng đây không phải sự cố đầu tiên của công ty Nước sạch sông Đà vì trước đó họ từng từng dính nhiều bê bối về chất lượng nước và hạ tầng công trình.  Điển hình là sự cố 22 lần vỡ đường ống nước sông Đà.

Nguồn nước dẫn vào nhà máy nước sông Đà chia làm hai màu rõ rệt sau sự cố ô nhiễm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mới đây nhất là sự cố người dân nhiều quận, huyện của TP. Hà Nội như Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai… phát hiện nước có mùi khét nồng nặc, thậm chí có váng dầu đen khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đã phát hiện ra nguồn nước bị nhiễm dầu bẩn nhưng không báo cáo và không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định.

Tuy để xảy ra nhiều sự cố nhưng tới nay công ty Nước sạch Sông Đà vẫn là "ông trùm" cung cấp nước sạch cho Hà Nội và đạt doanh thu siêu lợi nhuận.

Hết năm 2018, công ty Nước sạch Sông Đà đạt doanh thu 468 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên tới 218 tỷ đồng. Biên lợi nhuận cực cao khi cứ thu về 2 đồng thì lãi 1 đồng.

6 tháng đầu năm 2019 doanh thu đạt 263 tỷ, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng chỉ 113 tỷ. Trong khi các chi phí tài chính, chi phí bán hàng không đáng kể khiến lợi nhuận từ kinh doanh tăng lên 133 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng đạt 126 tỷ, tăng 37% so với cùng kỳ. Tại ngày 30/6/2019, tổng tài sản của công ty đạt 1.477 tỷ đồng.

Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)