Chính sách

Phát huy hơn nữa vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong bối cảnh mới

Nhiều nguyên cán bộ Hội luật gia Việt Nam đề xuất, Hội cần phát huy hơn nữa vai trò trong xây dựng, phổ giáo dục, biến pháp luật trong bối cảnh hiện nay.

Nhiều kết quả nổi bật

Chiều ngày 29/1, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức gặp mặt cán bộ hưu trí cơ quan Trung tương Hội nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024. 

Tại buổi gặp mặt, TS.Nguyễn Văn Quyền - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam điểm lại những thành tựu nổi bật trong năm 2023 tới những cán bộ hưu trí, từng công tác và có nhiều đóng góp, góp phần xây dựng Hội luật gia ngày càng vững mạnh. 

Theo đó, trong năm qua, Hội đẩy mạnh tổ chức thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 1/7/2022 của của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới. 

TS.Nguyễn Văn Quyền đánh giá, đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam. Theo đó, đã ban hành kế hoạch số 188-KH/ĐĐ, ngày 12/4/2023 phân công các đồng chí Ủy viên Đảng đoàn về làm việc với các địa phương và các bộ, ngành Trung ương. 

TS.Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu. 

Với chủ trương hướng về cơ sở, Đảng đoàn đã tổ chức thành công 14 đoàn công tác làm việc với thường trực tỉnh ủy, thành ủy và chính quyền các địa phương về triển khai thực hiện Chỉ thị số 14 nói trên. Kết quả làm việc cho thấy cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố đều rất nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện. 

Nhìn chung, các buổi làm việc đã đạt kết quả tốt, qua đó đã giúp cho lãnh đạo tỉnh, thành phố hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam và sự cần thiết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia. 

Trong năm qua, Hội đã tình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2024 - 2030”. Tiếp nối kết quả thực hiện Đề án “xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2023”, Hội Luật gia Việt Nam đã chủ động đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, giai đoạn 2024-2030”.

Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí trang trọng, ấm áp. 

Ngày 3/11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đồng ý (tại Công văn số 8659/VPCP-PL) việc giao Hội Luật gia Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án này.

Bên cạnh đó, trong năm qua, Hội cũng phối hợp với Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Quỹ quốc tế Con đường hòa bình và Trung tâm Luật Hòa bình của Nga tổ chức Hội thảo quốc tế "Thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông: Vì hòa bình và phát triển trên cơ sở luật pháp quốc tế" tại thủ đô Moskva; đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại; tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ biển đảo, chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù;...

Các nguyên lãnh đạo, cán bộ đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội Luật gia Việt Nam.

Tiếp theo, TS. Nguyễn Văn Quyền cũng báo cáo tới các nguyên lãnh đạo, cán bộ Hội Luật gia Việt Nam về những phương hướng nhiệm vụ trong năm 2024. Trong đó, nhấn mạnh vào việc tiếp tục tăng cường Chỉ thị 14 của Bộ Chính trị; thực hiện đề án của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật; tập trung trong công tác Đại hội Hội Luật gia các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2024-2029.

Xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật

Tại buổi gặp mặt, nhiều nguyên cán bộ, lãnh đạo cũng phát biểu đóng góp ý kiến nhằm xây dựng Hội ngày càng vững mạnh. 

Trong đó, ông Nguyễn Niên – nguyên Tổng biên tập Tạp chí Pháp lý (cơ quan ngôn luận của Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, mỗi bộ luật được thông qua tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Trong đó, phản biện xã hội rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Hội Luật gia Việt Nam đã là ngọn cờ đi đầu và cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là kênh quan trọng về tuyên truyền, xây dựng pháp luật.

Ông Nguyễn Niên - nguyên Tổng biên tập Tạp chí pháp lý. 

Bên cạnh đó, ông Niên cho rằng Hội luật gia có thể tham mưu, đề xuất thành lập Hội đồng lý luận phản biện pháp luật mà Hội luật gia Việt Nam hoàn toàn có thể là nòng cốt trong đó. Bởi, điều này theo ông có thể  giải quyết nhiều ý kiến tranh cãi về một số điều luật như hiện nay. 

Ông Phan Văn Tân, nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Tân Việt đề xuất Trung ương Hội đề xuất, xây dựng Luật tư vấn pháp luật. Điều này theo ông Tân sẽ mang tính xã hội hoá cao, từ đó hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được trợ giúp nhiều hơn.  

Ngoài ra, ông nhận thấy, hiện nay có tình trạng nhiều cán bộ chỉ nghe theo lãnh đạo cấp trên mà thiếu đi tinh thần thượng tôn pháp luật. 

Phan Văn Tân, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Tân Việt phát biểu.

“Cán bộ, cơ quan Nhà nước thiếu thượng tôn pháp luật mang nhiều bất cập. Đơn cử, mới đây tôi có tham gia trợ giúp pháp lý cho người yếu thế là cụ bà gần 90 tuổi. Đây chỉ là vụ án hành chính mà bị kéo dài không được xử lý, cụ bà phải mòn mỏi chờ đợi nhiều năm. Chỉ khi báo chí phản ánh thì vụ việc đơn giải này mới được giải quyết”, ông Tân nói và cho rằng, Hội cần phát huy hơn nữa vai trò trong bối cảnh mới, với đội ngũ hội viên rộng khắp cả nước có thể xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật trong mỗi cơ quan, tổ chức.

Thay mặt lãnh đạo Hội luật gia Việt Nam, TS.Nguyễn Văn Quyền bày tỏ tiếp thu trân trọng những ý kiến đóng góp của các đại biểu,đồng thời khẳng định mỗi Hội viên sẽ ngày càng cố gắng nỗ lực, để hoàn thành những nhiệm vụ được giao và đề ra