Đời sống

Phát hiện quái vật bay khổng lồ từng sống ở siêu lục địa tan vỡ

Hình ảnh tái hiện lại cho thấy một sinh vật có thân hình đen nhánh, cổ quái, cái đầu nhiều màu sắc với sải cánh lên tới 1,8-2m.

Ngày 6/9 vừa qua, các nhà khoa học đã đưa ra công bố chính thức trên tạp chí Acta Palaeontologica Polonica về hóa thạch của một loài bò sát cổ đại khai quật được tại "sa mạc tử thần" Atacama (Chile).

Theo Sci-News, đó là một loài pterosaur (thằn lằn có cánh hay dực long) chưa từng được biết đến, sống vào kỷ Jura. Riêng những mảnh hóa thạch rời rạc được khai quật ở sa mạc Atacama đã có niên đại 160 triệu năm.

Với thời gian đó, các nhà khảo cổ tin rằng nó vốn cư trú ở siêu lục địa đã tan vỡ Gondwana. Siêu lục địa này sau đó bị phân tách thành các châu lục như chúng ta thấy ngày nay.

Tiến sĩ Jhonatan Alarcon-Munoz từ Đại học Chile, người đứng đầu nghiên cứu, cho hay, loài dực long mới có sải cánh lên tới 1,8-2m và một chiếc đuôi dài, nhọn. Những phỏng đoán ban đầu cho rằng hóa thạch này thuộc phân họ Rhamphorhynchinae.

So với các chi khác thuộc loài pterosaur, kích thước của Rhamphorhynchinae được xếp vào hàng dưới mức trung bình một chút. Chúng sở hữu bộ hàm đầy đủ răng, cho phép bắt cá và các loài động vật có vú sống dưới biển một cách hiệu quả. “Đây là một phát hiện thật thú vị. Chúng tôi là những người đầu tiên nhận ra sự tồn tại của Rhamphorhynchinae ở phía Nam bán cầu”, Tiến sĩ Jonatan Alarcon thông tin.

Ngoài ra, hình ảnh tái hiện từ hóa thạch cho thấy một sinh vật có thân hình đen nhánh với cái đầu nhiều màu sắc, sống vào thời kỳ Oxford, thuộc thế Jura muộn của kỷ Jura. Như vậy, nó là một trong những dực long cổ đại nhất thế giới bởi hầu hết dực long tồn tại vào kỷ Phấn Trắng sau đó.

Hiện các nhà khoa học đang cẩn thận phân tách những phần cuối cùng của hóa thạch ra khỏi tảng đá đã lưu giữ nó hàng trăm triệu năm qua và tiến hành phân tích, nghiên cứu để tìm ra nguồn gốc, phân họ thật sự của con rồng bay đặc biệt này.

Minh Hoa (t/h)