Đời sống

Phát hiện kháng thể chống Covid-19 trong loài vật có nhiều ở Việt Nam

Các nhà khoa học Mỹ hy vọng có thể triển khai công nghệ kháng thể dựa trên trứng gà trong một phương pháp điều trị phòng ngừa như thuốc xịt.

Nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học California, Davis (Mỹ), đã thành công tạo ra kháng thể đối với protein đột biến SARS-CoV-2 trong trứng gà. 

Theo nghiên cứu được công bố ngày 9/7 trên tạp chí Virus, các kháng thể từ trứng có thể được sử dụng để điều trị Covid-19, hoặc như một biện pháp phòng ngừa cho những người tiếp xúc với căn bệnh này.

Ông Rodrigo Gallardo, Giáo sư y học gia cầm, Khoa Sức khỏe Dân số và Sinh sản tại Trường Thú y California Davis phân tích: "Lợi thế của hệ thống này là có thể tạo ra rất nhiều kháng thể ở gia cầm. Ngoài chi phí thấp để sản xuất các kháng thể này ở gà mái, chúng có thể được cập nhật rất nhanh bằng cách sử dụng kháng nguyên. Từ đó, cho phép bảo vệ chống lại các biến thể hiện tại".

Gia cầm sản xuất một loại kháng thể gọi là IgY, có thể so sánh với IgG ở người và các động vật có vú khác. IgY không gây dị ứng hoặc gây phản ứng miễn dịch khi tiêm vào người. IgY xuất hiện cả trong huyết thanh và trứng của gia cầm. Khi một con gà mái đẻ khoảng 300 quả trứng mỗi năm, các nhà khoa học có thể thu được nhiều IgY.

Gallardo và cộng sự đã tạo miễn dịch cho gà mái bằng 2 liều của 3 loại vắc-xin khác nhau, dựa trên vùng liên kết thụ thể hoặc protein tăng đột biến SARS-CoV-2. Nhóm nghiên cứu đo lượng kháng thể trong mẫu máu của gà mái và lòng đỏ trứng sau 3 và 6 tuần từ lần chủng ngừa cuối cùng. Sau đó, họ kiểm tra khả năng ngăn chặn coronavirus lây nhiễm vào tế bào người có kháng thể tinh khiết tại Trung tâm Quốc gia về Biodefense và Bệnh truyền nhiễm tại Đại học George Mason ở Virginia.

Cả trứng và huyết thanh của gà mái được miễn dịch đều chứa các kháng thể nhận biết SARS-CoV-2. Các kháng thể từ huyết thanh có hiệu quả hơn trong việc vô hiệu hóa virus. Nguyên nhân được cho là vì có nhiều kháng thể hơn trong máu.

Ông Gallardo đang làm việc với các đồng nghiệp Daria Mochly-Rosen tại Trường Đại học Stanford và Michael Wallach từ Trường Đại học Công nghệ, Sydney (Australia) nhằm phát triển công nghệ kháng thể dựa trên trứng. Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể triển khai các kháng thể này trong một phương pháp điều trị phòng ngừa như thuốc xịt. Nhờ đó, có thể đưa vào sử dụng trên những người có nguy cơ phơi nhiễm cao với Covid-19.

Cho đến nay giới khoa học toàn cầu vẫn đang tiếp tục nỗ lực nghiên cứu và phát triển vắc-xin cũng như phương pháp điều trị Covid-19 trong bối cảnh virus gây bệnh vẫn đang lây lan trên phạm vi toàn cầu.

Trong cuộc họp hằng tuần về Covid-19 tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 6/7, Tổ chức Y Tế thế giới (WHO) đã nêu bật các thách thức có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh.

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, trong đợt dịch mới, thế giới đứng trước 4 thách thức lớn, có thể khiến Covid-19 lây lan nhanh. Trước hết, đó là tỷ lệ xét nghiệm đã giảm tại nhiều quốc gia.

Điều này khiến các nước không có cái nhìn hoàn chỉnh về sự phát triển của virus cũng như thực tế dịch bệnh trên toàn cầu, kéo theo giới chuyên gia không thể đưa ra các biện pháp điều trị đủ sớm để ngăn ngừa các ca bệnh diễn tiến nặng và tử vong.

Trong khi đó, các phương pháp điều trị mới, đặc biệt là thuốc kháng virus tiềm năng chưa đến tay người dân tại các nước thu nhập thấp. Không chỉ vậy, khi virus phát triển, khả năng bảo vệ của vắc-xin sẽ suy yếu. Miễn dịch cơ thể suy giảm cho thấy tầm quan trọng của các mũi tăng cường vắc-xin, đặc biệt là với nhóm có nguy cơ cao nhất.

Cuối cùng, các đợt bùng phát mới khiến số người mắc hội chứng Covid-19 kéo dài tăng lên, ảnh hưởng đến các bệnh nhân và gia đình, gây thêm gánh nặng cho hệ thống y tế và kinh tế, xã hội nói chung.

Người đứng đầu WHO khẳng định những thách thức này đòi hỏi hành động ở cấp độ toàn cầu, quốc gia và địa phương. Theo đó, các nước cần tập trung tiêm mũi tăng cường cho những người có nguy cơ cao, trong đó có người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bị suy giảm miễn dịch.

Bên cạnh đó, các nước cần cung cấp đủ thuốc viên kháng virus và các phương pháp điều trị khác cho người dân. Tổng Giám đốc Tedros hối thúc các nhà sản xuất hợp tác chặt chẽ với cơ quan y tế và giới chức các nước để đảm bảo cung cấp thuốc nhanh chóng và hiệu quả.

WHO cũng kêu gọi người dân tại các vùng dịch bệnh gia tăng thực hiện các biện pháp y tế cộng đồng, trong đó có đeo khẩu trang, tự cách ly khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, đẩy mạnh xét nghiệm tại nhà và tiêm chủng đầy đủ.

Minh Hoa (t/h)