Đời sống

Phát hiện hơn trăm "mật đạo" trên Vạn Lý Trường Thành

Khám phá mới về tàn tích của hơn 130 cánh cửa bí mật được cho là một bước tiến trong việc nghiên cứu lịch sử và cấu trúc của Vạn Lý Trường Thành.

Vạn Lý Trường Thành, với tổng chiều dài hơn 20.000 km, là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận và là điểm tham quan thu hút du khách bậc nhất của Trung Quốc.

Mới đây, một nhóm nghiên cứu về hệ thống phòng thủ của Vạn Lý Trường Thành đã công bố thông tin về tàn tích của hơn 130 cánh cửa bí mật trên kỳ quan này.

Theo Tân Hoa Xã, dựa trên việc phân tích hình ảnh kỹ lưỡng hơn và các chuyến đi thực tế đến Vạn Lý Trường Thành, nhóm đã nhận thấy mỗi cánh cửa bí mật được thiết kế để tương thích với địa hình của từng địa phương.

Theo các chuyên gia, những lối đi bí mật này là dành cho những người làm nhiệm vụ do thám đi qua, trong khi một số được xây dựng như những kênh liên lạc giữa bên trong và bên ngoài Vạn Lý Trường Thành hoặc để giao thương buôn bán trong thời cổ đại.

Theo một số tài liệu lịch sử từ thời nhà Minh (1368-1644), các bộ lạc du mục được phép sử dụng những cánh cổng bí mật như vậy để chăn thả gia súc của họ giữa Thanh Hải và Hetao, phía tây bắc Trung Quốc, một khu vực có nguồn nước và cỏ dồi dào vào thời điểm đó.

Zhang Yukun, giáo sư từ Đại học Thiên Tân, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết điều này hoàn toàn có cơ sở vì một số cánh cửa bí mật lớn có thể cho phép hai con ngựa đi qua cùng lúc theo cả hai hướng.

"Tất cả những điều này giúp chứng minh rằng Vạn Lý Trường Thành không hoàn toàn đóng, mà “mở” một cách bí mật", ông Zhang nói thêm.

Trước đây, Trung Quốc có rất ít nghiên cứu về những lối đi bí mật như vậy. Khám phá mới có thể giúp trình bày một cơ chế kiến trúc đầy đủ và sống động của Vạn Lý Trường Thành.

Những lối thoát bí ẩn nhất ở Vạn Lý Trường Thành đã được nhóm nghiên cứu tìm ra. Những lối đi này đã được các học giả trong các triều đại Đường, Tống, Minh và Thanh ghi chép lại.

Mặt của lối đi bí mật về phía kẻ địch được ngụy trang bằng gạch, trong khi mặt còn lại được để rỗng. Kẻ thù gần như không hề biết được vị trí của những lối đi từ bên ngoài, nhưng khi con đèo chính gần đó bị tấn công, binh lính có thể phá cổng từ bên trong, giống như phá vỏ trứng và thực hiện cuộc tấn công bất ngờ. Đây là một minh chứng tuyệt vời về trí tuệ quân sự của Trung Quốc cổ đại", ông Li Zhe cùng nhóm nghiên cứu cho biết.

Minh Hoa (t/h)