Đời sống

Phát hiện cây cao nhất châu Á mọc ở hẻm núi sâu nhất thế giới

Với chiều cao 102,3 m, cây bách khổng lồ mới được phát hiện ở Trung Quốc là cây cao nhất từng được phát hiện ở châu Á và là cây cao thứ hai trên thế giới.

Cây bách được phát hiện trong Khu bảo tồn thiên nhiên Yarlung Zangbo Grand Canyon tại thành phố Lâm Chi, thuộc Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc, bởi một nhóm nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh vào tháng 5. Khu vực phát hiện cây bách là hẻm núi sâu nhất thế giới với độ sâu tối đa khoảng 6.000 m.

Trong một tuyên bố Đại học Bắc Kinh cho biết, cây này được phát hiện khi nhóm nghiên cứu sử dụng máy bay không người lái và radar laser để vẽ bản đồ môi trường khu vực.

Cây bách được xác nhận cao 102,3 m và có đường kính 2,9 m. Ở độ cao này, cây sẽ cao hơn cả Tượng Nữ thần Tự do (cao 93 m).

Cây bách cao 102,3 m trong Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Yarlung Zangbo Grand Canyon. (Ảnh: Đại học Bắc Kinh).

Hiện chưa rõ cây bách thuộc loài nào, các nhà nghiên cứu suy đoán đó có thể là loài bách Himalaya (Cupressus torulosa) hoặc bách Tây Tạng (Cupressus gigantea).

Trước phát hiện này, cây cao nhất châu Á là một cây gỗ yellow meranti (Shorea faguetiana) cao 101 m nằm ở khu bảo tồn thung lũng Danum tại Sabah, Malaysia.

Hiện cây cao nhất thế giới được xác nhận là tùng gỗ đỏ ven biển nằm trong vườn quốc gia tùng gỗ đỏ ở California, Mỹ. Với chiều cao 116 m, cây được phát hiện vào năm 2006, ước tính có niên đại từ 600 đến 800 năm.

Quốc Tiệp (theo Newsweek, Livescience)