Sự kiện

Phát động phong trào thi đua Xuân Quý Mão trên công trường giao thông

12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đồng loạt khởi công là sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành giao thông nói riêng và của đất nước nói chung.

Sáng ngày đầu năm mới dương lịch (1/1/2023), Bộ GTVT tổ chức lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, gồm 12 dự án: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng,  Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.

Lễ khởi công được tổ chức đồng loạt với 12 điểm cầu tại 9 tỉnh, thành phố trên cả nước. Cụ thể, trong 12 điểm cầu có 3 điểm chính tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang - đại diện cho 3 khu vực (Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ).

Phát biểu tại lễ khởi công ở điểm cầu Quảng Bình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngay sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã kịp thời giao nhiệm vụ với các mốc tiến độ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương cũng như quyết định một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo thẩm quyền.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng. 

Quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã yêu cầu các cơ quan đơn vị của Bộ GTVT, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn tích cực triển khai thực hiện với nỗ lực lớn nhất, tinh thần trách nhiệm cao nhất. Công tác thiết kế phải tối ưu hóa, phát huy tối đa hiệu quả của đường cao tốc; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong các khâu triển khai thực hiện; công tác lựa chọn nhà thầu đã được tiến hành một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch.

Năm 2023 là năm bản lề có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Điều đó đòi hỏi toàn ngành GTVT hơn lúc nào hết phải tiếp tục phát huy tinh thần truyền thống đi trước mở đường (vượt nắng thắng mưa), đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo, chủ động vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2023, tạo tiền đề để phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của ngành, trong đó có Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo tiến độ, chất lượng gắn với hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Cũng tại lễ khởi công, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã phát động phong trào thi đua Xuân Quý Mão trên các công trường giao thông trong các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT. 

Để các phong trào thực sự thiết thực, hiệu quả và đi vào thực chất, tạo không khí thi đua sôi nổi, đảm bảo hoàn thành mọi mục tiêu đề ra, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT, các chủ đầu tư, các Ban QLDA, các chủ thể tham gia dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tập trung thực hiện 2 nhóm nội dung.

Lễ Khởi công tại điểm cầu Quảng Bình. 

Một là, ngay sau khi khởi công dự án, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết; huy động đầy đủ nhân lực, nguồn lực tài chính, thiết bị máy móc hiện đại để tập trung triển khai tổ chức thi công, đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường; Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường.

Hai là, triển khai mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thi công và kết quả công tác giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện tốt công tác khen thưởng để kịp thời cổ vũ, tạo khí thế thi đua tích cực trong toàn ngành.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT rất mong tiếp tục nhận được sự giám sát của Quốc hội, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc phát sinh của các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh khu vực dự án đi qua. Đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; đảm bảo công tác an ninh, trật tự, tổ chức giao thông thuận tiện, an toàn.

Phát biểu tại buổi lễ ở điểm cầu Quảng Ngãi, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, trong thời gian qua, doanh nghiệp này đã đầu tư bổ sung nhiều máy móc, thiết bị với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, đặc biệt là các thiết bị thi công chuyên dụng như máy khoan hầm, máy phun vẩy, máy khoan nhồi đường kính lớn, máy đào, ô tô vận chuyển. Tất cả hiện đã sẵn sàng cho công tác thi công gói thầu XL01.

“Ý thức được trách nhiệm là nhà thầu đứng đầu liên danh, thời gian qua Tập đoàn Đèo Cả đã dành nguồn đầu tư thích đáng cho việc phát triển công nghệ. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản trị dự án cao tốc lần này sẽ tạo ra tính vượt trội về năng suất, chất lượng, an toàn và hiệu quả. Tập đoàn Đèo Cả sẽ hướng dẫn các nhà thầu trong liên danh, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các nhà thầu khác để cùng nhau hoàn thành toàn tuyến cao tốc giai đoạn 2, thay thế ngay các nhà thầu yếu kém khi xét thấy tiến độ và chất lượng thi công không đảm bảo yêu cầu, "Không để dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ với nhân dân"”, đại diện nhà thầu Đèo Cả khẳng định.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.

Bên cạnh đó, ông Hoàng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ GTVT có văn bản hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn vốn của dự án thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các mỏ vật liệu mới, đường mới tiếp cận các mỏ vật liệu, bãi đổ thải. Thời gian hoàn thành trước 30/1/2023.

Tập đoàn Đèo Cả cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ xây dựng và Bộ GTVT rà soát, chỉnh sửa, bổ sung ban hành hệ thống tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, hướng dẫn áp dụng mô hình BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Cho phép áp dụng thí điểm mô hình thông tin công trình BIM cho Dự án cao tốc; Bộ Xây dựng sớm có ý kiến về các định mức thi công chưa phù hợp mà Bộ GTVT xây dựng.

Ngoài ra, UBND các tỉnh cần khẩn trương giao mỏ vật liệu mới cho các nhà thầu đã được lựa chọn trước ngày 30/01/2023 để nhà thầu triển khai đảm bảo tiến độ cam kết và thi công xuyên Tết như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên môi trường công bố chỉ số giá, đơn giá vật tư, vật liệu hàng tháng phù hợp với thực tế để đảm bảo công tác thanh, quyết toán công trình.