Thế giới

Pháp tính điều người tới sản xuất vũ khí ngay trên đất Ukraine

Việc gửi quân đến Ukraine đã được thảo luận tại hội nghị các nhà lãnh đạo châu Âu ở Paris, nhưng không có sự đồng thuận.

Pháp đang lên kế hoạch để một số nhà sản xuất vũ khí của mình chế tạo các loại thiết bị quân sự rất cần thiết trực tiếp trên đất Ukraine để giúp quốc gia Đông Âu trong cuộc chiến chống lại Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Sebastien Lecornu cho biết hôm 8/3.

“3 công ty của Pháp sẽ thiết lập quan hệ đối tác với các công ty Ukraine, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết bị mặt đất và máy bay không người lái, để sản xuất phụ tùng trên đất Ukraine và có thể cả đạn dược trong tương lai, nhưng việc này sẽ mất nhiều thời gian hơn”, ông Lecornu nói với các đài truyền hình Pháp BFMTV và RMC.

Vị quan chức trong chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron cho biết các nhân viên dân sự của ngành công nghiệp quốc phòng Pháp sẽ có mặt ở Ukraine để bắt đầu hoạt động sản xuất từ mùa hè này.

Ông gợi ý rằng các công ty liên quan sẽ bao gồm nhà sản xuất xe tăng KNDS, một công ty cổ phần được thành lập bởi Nexter của Pháp và Krauss-Maffei-Wegmann của Đức.

Ukraine được cho là đang phải đối mặt với tình trạng thiếu pháo và đạn dược, ảnh hưởng đến nỗ lực chống lại Nga, quốc gia đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở quốc gia láng giềng hơn 2 năm trước.

Khi được hỏi về những bình luận gần đây của Tổng thống Macron về việc hỗ trợ Ukraine, ông Lecornu nói: “Tổng thống đã nói rõ rằng sẽ không có tình trạng đồng hiếu chiến. Ông ấy cũng nói rõ rằng chúng tôi chưa thử mọi cách để hỗ trợ Ukraine theo cách khác”.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu (phải) được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trao tặng Huân chương Công trạng của Ukraine trong chuyến thăm Kiev, tháng 9/2023. Ảnh: Straits Times

Bộ trưởng Lecornu giải thích rằng việc gửi quân đến Ukraine đã được thảo luận tại hội nghị các nhà lãnh đạo châu Âu ở Paris, nhưng không có sự đồng thuận, và đó không phải là việc triển khai “lực lượng chiến đầu”.

Vị quan chức Pháp cho biết, tình hình ở Ukraine đã khác so với 2 năm trước, đồng thời cho rằng Nga cũng bắt đầu gây hấn với các nền dân chủ châu Âu trong thế giới thông tin và mạng.

Tổng thống Macron muốn tổ chức một cuộc họp và thảo luận về tất cả những hỗ trợ có thể có cho Ukraine, ông Lecornu cho biết thêm.

Tuần trước, ông Macron đã một lần nữa khẳng định không loại trừ khả năng điều quân phương Tây tới Ukraine, một đề xuất đã khiến nhiều người ở châu Âu “giật mình”. Nhưng các nước NATO, bao gồm Mỹ, Anh và Đức, đã bác bỏ ý tưởng này.

Hôm 7/3, một số lãnh đạo đảng ở Pháp cho biết ông Macron ủng hộ cách tiếp cận “không giới hạn” để chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cùng ngày, Pháp cũng đã tổ chức một hội nghị video gồm 28 quốc gia, trong đó có sự tham gia của đại diện Ukraine, để theo dõi các sáng kiến được thảo luận tại hội nghị trước đó về Ukraine.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nằm trong số những người tham dự. Ông cho biết trên tờ Le Monde của Pháp hôm 7/3: “Ukraine chưa bao giờ yêu cầu... quân đội nước ngoài chiến đấu bên cạnh mình. Chúng tôi luôn có niềm tin vào các chiến binh của mình”.

Tuy nhiên, “Ukraine cần thêm đạn pháo và tên lửa tầm xa. Chúng tôi cần hệ thống phòng không Patriot... các sự sắp đặt để sửa chữa nhanh hơn các phương tiện quân sự của mình... huấn luyện cho binh lính của mình tại các căn cứ bên trong Ukraine”.

Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo sẽ xảy ra xung đột trực tiếp nếu quân NATO được triển khai ở Ukraine. Ông Peskov hôm 7/3 cũng phản hồi bằng cách nói rằng ông Macron đang “tiếp tục nâng cao mức độ can dự trực tiếp của Pháp” vào xung đột ở Ukraine.

Minh Đức (Theo Anadolu, Reuters, France24)