Thế giới

Pháp phủ nhận việc ngừng xuất khẩu điện sang Italy

Pháp tái khẳng định cam kết "đoàn kết" với các nước láng giềng trong bối cảnh châu Âu đang phải chật vật ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Ngày 17/9, Pháp đã bác bỏ thông tin rằng tập đoàn năng lượng nhà nước EDF cảnh báo Rome về việc doanh nghiệp này có thể ngừng xuất khẩu điện sang Italy, đồng thời tái khẳng định cam kết của Paris, "đoàn kết" với các nước láng giềng khi châu Âu phải chật vật ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Trước đó cùng ngày, tờ La Repubblica (Italy) đưa tin, Rome đã nhận được thông báo bằng văn bản từ EDF về việc ngừng xuất khẩu điện trong 2 năm như một phần trong kế hoạch tiết kiệm năng lượng của Pháp. Người phát ngôn của Bộ Chuyển đổi sinh thái Italy đã xác nhận thông tin đăng tải trên báo này.

Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp nhấn mạnh, nhà chức trách nước này phủ nhận thông tin trên và tái khẳng định cam kết đoàn kết, đôi bên cùng có lợi, về điện và khí đốt với tất cả các nước láng giềng châu Âu.

Trong nhiều năm qua, Pháp đã giúp củng cố nguồn cung điện của "Lục địa già" khi cung cấp khoảng 15% tổng sản lượng điện của nước này. Theo dữ liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), Pháp cung ứng khoảng 5% lượng điện tiêu thụ hàng năm của Italy vào năm 2019.

Tuy nhiên, năm nay, Pháp đã trở thành nhà nhập khẩu điện ròng khi sản lượng điện hạt nhân đạt mức thấp nhất trong 30 năm do một loạt nhà máy tại đây cần phải sửa chữa. Trong khi đó, các nước châu Âu đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng năng lượng do nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga sụt giảm mạnh do ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine.

Đơn cử như tại Italy, nhằm nỗ lực tiết kiệm khí đốt, Chính phủ nước này thông báo đặt mục tiêu giảm 1 độ C mức nhiệt sưởi ấm tại các tòa nhà dân cư công cộng và tư nhân vào nửa cuối năm 2022, đồng thời giảm thời gian sưởi 1 giờ mỗi ngày.

Đầu tuần này, chính quyền Thành phố Paris cũng công bố một loạt các biện pháp tiết kiệm năng lượng để chuẩn bị cho mùa Đông sắp tới, trong đó có tắt đèn Tháp Eiffel sớm hơn 1 giờ, tắt đèn tại các tòa nhà công cộng vào lúc 22h, hạ nhiệt độ nước trong các bể bơi thành phố xuống 25 độ C so với 26 độ C hiện nay...

Chính phủ Hungary đề ra mục tiêu giảm tiêu thụ khí đốt, theo đó hạ tỉ lệ khí đốt trong tiêu thụ năng lượng còn 26% vào cuối năm nay, từ mức 35% năm 2021. Chính phủ Anh cũng lên kế hoạch triển khai gói hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó tình trạng giá năng lượng cao.

Trong khi đó, nhiều nước đang tăng cường chia sẻ và hợp tác nhằm chống chọi khủng hoảng. Truyền thông Séc đưa tin, từ ngày 8/9, Séc bắt đầu nhận khí đốt từ một cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng của Hà Lan. Séc và Ba Lan gia hạn thỏa thuận hợp tác về hệ thống đường ống dẫn khí đốt kết nối hai nước.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Nhân Dân)