Tiêu điểm thế giới

Pháp ngỏ ý đưa châu Âu "tái hợp" với Nga: "Bóng đã trong chân", quyết định là ở Tổng thống Putin?

Trước một nước Anh rời bỏ ngồi nhà chung châu Âu, chu kỳ chính trị của Đức bước vào giai đoạn cuối, Pháp đang muốn phất ngọn cờ lãnh đạo châu lục, tìm cách xích lại gần hơn với Nga.

Pháp muốn thiết lập lại quan hệ chung của cả châu Âu với Nga.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tin rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để thiết lập lại quan hệ với Nga. Do đó, ông đã đưa ra những ưu tiên ngoại giao để khôi phục bầu không khí tin cậy giữa Paris và Moscow.

Đây được coi là một bước đi sẽ giúp châu Âu và Nga gắn kết trở lại sau 5 năm khủng hoảng quan hệ. Theo cây bút Dominique Moisi của Strategist, có ba lý do làm cơ sở cho động thái này của Tổng thống Macron.

Trước hết, bối cảnh chiến lược quốc tế đã thay đổi đáng kể. Trung Quốc đang trỗi dậy, trong khi Mỹ với vị thế cường quốc hàng đầu đang ngày càng suy yếu. Nga như một thế lực mới đang trở thành đối tác mà Trung Quốc muốn liên kết dài hạn.

Chính vì điều này, cây bút Moisi cho rằng, các nhà lãnh đạo châu Âu không nên từ bỏ Nga một cách hoàn toàn, khiến nước này xoay trục sang châu Á. Thay vào đó, họ nên cố gắng thuyết phục người Nga rằng tương lai của Moscow vẫn là gắn liền với châu Âu. Vận mệnh của Nga nằm ở phương Tây, không phải phương Đông.

Nga trong vài năm trở lại đây được coi là một quốc gia có vị thế ngày càng tăng trên trường quốc tế. Nhiều cuộc xung đột hiện nay, từ Đông Âu đến Trung Đông, đơn giản là không thể giải quyết mà thiếu sự tham gia của Nga.

Điều này được coi là một chiến thắng toàn diện dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin – nhà lãnh đạo lên nắm quyền cách đây gần 20 năm, với cam kết đưa đất nước trở lại thành một thế lực chính trị xứng tầm.

Cụ thể, ông Putin muốn thái độ của Mỹ đối với Nga giờ đây không phải là một quốc gia “cửa dưới” như năm xưa mà là một đối thủ ngang hàng.

Mặc dù vị thế của Nga chưa đạt được đỉnh cao như thời hoàng kim, ít nhất Mỹ sẽ phải thừa nhận rằng, sức mạnh của quân đội Nga đang ngày càng được hiện đại hóa mạnh mẽ và có ảnh hưởng tích cực tại nhiều điểm nóng khu vực.

Nói cách khác, Nga đã trở lại. Việc châu Âu cố gắng bác bỏ điều này hoặc đơn giản là cố gắng kiềm chế Nga, không được coi là bước đi chiến lược phù hợp.

Lý do thứ hai cho những bước chuyển biến ​​ngoại giao mới của Pháp đối với Nga đó là Paris muốn lấp đầy khoảng trống lãnh đạo ở châu Âu.

Pháp tìm thấy cơ hội để trở thành quốc gia lãnh đạo châu Âu.

Vương quốc Anh – một trong những quốc gia có thái độ gay gắt với Nga nay đã tự đưa mình rời bỏ cuộc chơi ở châu Âu với tiến trình Brexit. Với việc không còn là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), London đơn giản là không thể nắm giữ vai trò một tiếng nói ngoại giao nghiêm túc.

Trong khi đó, Đức - cường quốc châu Âu có mối quan hệ lịch sử và văn hóa gần nhất với Nga - đang ở cuối chu kỳ chính trị.

Sẽ là sai lầm và không công bằng khi đánh giá quá thấp Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhưng thực sự bà giờ đây đã không còn quyền lực như năm xưa để lãnh đạo châu Âu trong việc giải quyết các vấn đề với thế giới bên ngoài, hoặc để dẫn dắt các quốc gia thành viên đi theo lý tưởng chung.

Với Vương quốc Anh và Đức hiện không có khả năng đóng vai trò ngoại giao lớn, cùng Italia, Tây Ban Nha và Ba Lan chưa bao giờ được đánh giá cao, kết luận trở nên khá đơn giản: Đây là thời điểm để Pháp tỏa sáng.

Nỗ lực của Tổng thống Macron trong thiết lập lại quan hệ với Nga được coi là hoàn toàn phù hợp với đường lối ngoại giao truyền thống của Pháp.

Ngay cả trong mối quan hệ với Liên Xô hay Trung Quốc trong quá khứ, Paris vẫn cho thấy họ là một quốc gia sẵn sàng hợp tác với mọi đối tác mà không quan trọng những khác biệt về tư tưởng.

Kết nối truyền thống này cũng có thể phù hợp với các tính toán trong nước của ông Macron. Bằng cách tiếp cận với Điện Kremlin, ông có thể xoa dịu các lĩnh vực kinh tế của đất nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ​​các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Tuy nhiên, các quốc gia Trung và Bắc Âu vẫn hoài nghi về sáng kiến ​​ngoại giao mới của Pháp. Họ tự hỏi, tại sao lại phải xây dựng lại mối quan hệ với Nga và tại sao lại thực hiện trong lúc này?

Hơn nữa, họ cũng sẽ không hài lòng khi ông Macron đang hành động một mình mà không thực sự hỏi ý kiến ​​các đối tác và đồng minh châu Âu của mình. Do đó, ông khó có thể tuyên bố rằng bản thân nhân danh Châu Âu để tiến hành sáng kiến xích lại gần Moscow.

Theo cây bút Moisi, bất chấp những lời chỉ trích như vậy, nỗ lực của ông Macron được coi là một suy nghĩ hợp lý. Chính sách cô lập nghiêm ngặt của phương Tây đã thất bại. Do đó, một chính sách mới về Nga có thể được cân nhắc, miễn là nó không được theo đuổi một cách quá ngây thơ hoặc hoàn toàn coi thường các nguyên tắc.

Pháp đã có một động thái táo bạo đầu tiên để thiết lập lại quan hệ với Nga. Hiện tại, quả bóng đang ở chân ông Putin, lựa chọn thế nào là do Nga quyết định.