Thế giới

Pháp chuẩn bị cho kịch bản cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga

"Tuyến phòng thủ" đầu tiên của Pháp là việc các hộ gia đình và doanh nghiệp giảm tiêu thụ năng lượng, sau đó sẽ là xây dựng những cơ sở hạ tầng mới.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire mới đây cho biết chính phủ nước này đang chuẩn bị cho việc cắt giảm hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga. 

Vào tháng 6 vừa qua, Nga đã cắt giảm lưu lượng khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) xuống còn 40%, đây vốn là tuyến vận chuyển khí đốt quan trọng cho vùng Tây Âu. Điều này làm dấy lên lo ngại của các chính trị gia và các nhà công nghiệp về việc nguồn cung sẽ bị thắt chặt hơn nữa do liên quan đến xung đột tại Ukraine.

Với khoảng 17% nguồn cung khí đốt nhập khẩu từ Nga, Pháp ít phụ thuộc vào khí đốt của Nga hơn so với một số nước láng giềng, nhưng nước này đã chuẩn bị các phương án dự phòng.

Bộ trưởng Le Maire phát biểu trong một hội nghị với các doanh nhân tại Pháp: "Tôi cho rằng việc cắt giảm hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt của Nga là khả năng có thật. Chúng ta cần chuẩn bị cho kịch bản này". Ông nhận định việc không chuẩn bị ứng phó với kịch bản thiếu hụt là sự vô trách nhiệm.

Ông Le Maire cho biết "tuyến phòng thủ" đầu tiên là các hộ gia đình và doanh nghiệp cắt giảm tiêu thụ năng lượng, sau đó là xây dựng cơ sở hạ tầng mới như một nhà máy nổi. Quyết liệt hơn, chính phủ Pháp đang xem xét từng công ty tại Pháp nhằm xác định công ty nào có thể buộc phải giảm sản lượng để tiết kiệm năng lượng nếu cần thiết, ông Le Maire chia sẻ.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire. Ảnh: Getty Images.

Pháp ít phụ thuộc trực tiếp vào khí đốt của Nga so với các nước láng giềng khác như Đức. Tuy nhiên, nhà sản xuất điện do nhà nước hậu thuẫn EDF (EDF.PA) của Pháp đang gặp nhiều khó khăn để đáp ứng nhu cầu điện nước này, gây sức ép đối với phần còn lại của ngành năng lượng. 

Việc sản xuất năng lượng tại 29 trong số 56 lò phản ứng hạt nhân của Pháp đã bị tạm ngừng hoạt động để kiểm tra và sửa chữa. Chính quyền Pháp đã áp đặt giới hạn giá khí đốt và điện bán lẻ cho đến cuối năm, nhằm giảm tác động của giá năng lượng tăng cao đối với người dân. Điều này giúp Pháp kiểm soát lạm phát, nằm trong nhóm thấp nhất ở châu Âu.

Các công ty hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng tại Pháp đang đẩy nhanh kế hoạch dự phòng và chuyển đổi lò hơi khí đốt của họ sang chạy bằng dầu, nhằm tránh khả năng xảy ra gián đoạn hoạt động trong trường hợp nguồn cung khí đốt của Nga sụt giảm hơn nữa gây mất điện.

Ông Florent Menegaux, giám đốc điều hành hãng sản xuất lốp xe hàng đầu thế giới đến từ Pháp Michelin (MICP.PA), cho biết: “Chúng tôi đã chuyển đổi các lò hơi của công ty, để các lò có thể chạy bằng khí đốt hoặc dầu và thậm chí chuyển sang chạy bằng than nếu cần”.

Vị giám đốc của Michelin (MICP.PA) nói thêm: “Mục đích của điều này nhằm tránh việc phải đóng cửa nhà máy do thiếu hụt khí đốt. Dầu mỏ sẵn có như một giải pháp thay thế nếu xảy ra tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu”. Ông Menegaux nhận định phải mất nhiều ngày mới có thể bắt đầu sản xuất lốp xe tại một nhà máy, do đó việc duy trì nguồn cung năng lượng ổn định là hết sức cần thiết.

Phạm Hà Thanh (theo Reuters, Bloomberg)