Thế giới

Pháp: Chính phủ của ông Macron hứng “đòn giáng” đặc biệt nhức nhối

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa hứng chịu một sự kéo lùi bất ngờ sau khi các nhà lập pháp bác bỏ dự luật cải cách nhập cư do chính phủ của ông đề xuất.

Dự luật, được soạn thảo trong hơn một năm, cố gắng đạt được sự cân bằng giữa việc trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp và mở rộng cơ hội việc làm cho những người di cư có kỹ năng cần thiết. 

Sự kéo lùi này làm dấy lên những nghi ngờ mới về khả năng những đạo luật quan trọng của chính phủ “vượt ải” Hạ viện, nơi đảng trung dung của ông Macron và các đồng minh không chiếm đa số tuyệt đối.

Hôm 11/12, Hạ viện đã thông qua kiến nghị bác bỏ dự luật cải cách nhập cư mà không cần thảo luận thêm. Kiến nghị được đề xuất bởi Đảng Xanh, một trong số các nhóm đối lập cánh tả trong Quốc hội, đã nhận được 270 phiếu thuận và 265 phiếu chống. Như vậy, cuộc tranh luận tại Quốc hội – vốn dự kiến bắt đầu vào ngày 11/12 và kéo dài 2 tuần – đã kết thúc trước cả khi nó kịp bắt đầu.

Nhập cư từ lâu đã là một vấn đề cố định của nền chính trị Pháp. Dự luật này, nếu được thông qua, sẽ là luật nhập cư và tị nạn thứ 29 của Pháp trong 4 thập kỷ. Các chính trị gia và các nhà bình luận, đặc biệt là cánh hữu, thường mô tả quốc gia Tây Âu này đang trong tình trạng phải chống đỡ với dòng người di cư ngoài tầm kiểm soát.

Việc dự luật bị bác bỏ cũng là một “đòn giáng” đặc biệt nhức nhối đối với Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin. Vị Bộ trưởng có lối nói cứng rắn trong Chính phủ của ông Macron đã đặt rất nhiều vốn liếng chính trị vào việc thông qua dự luật mà không cần viện đến biện pháp Hiến pháp được gọi là Điều 49.3.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin. Ảnh: Getty Images

Ông Darmanin sau đó đã đề nghị từ chức nhưng bị ông Macron từ chối. Thay vào đó, Tổng thống Pháp đã yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ tìm những cách mới để phá vỡ thế bế tắc và thúc đẩy dự luật được thông qua.

“Rõ ràng đó là một thất bại”, ông Darmanin nói với đài truyền hình TF1. “Tôi muốn cung cấp cho cảnh sát, hiến binh, các quận trưởng, thẩm phán phương tiện để đấu tranh chống lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp”.

Vị Bộ trưởng cảnh báo rằng nếu những biện pháp này không được thông qua, “bi kịch sẽ chờ đợi”. Ông nói: “Nếu chúng ta không có những biện pháp này, điều đó có nghĩa là chúng ta đang để chính trị chiếm ưu thế hơn lợi ích công cộng”.

Tuy nhiên, đại diện hàng đầu cho phe cực hữu Pháp, bà Marine Le Pen, đã lên tiếng phản bác. 

“Trái ngược với những gì ông Darmanin đã nói, luật này là luật ủng hộ nhập cư”, bà Le Pen nói với các phóng viên tại Quốc hội, nơi bà là nhà lập pháp đứng đầu đảng chống nhập cư của bà, National Rally. “Điều đó không thể xảy ra được”.

Ban đầu được đề xuất bởi chính phủ trung dung của ông Macron với nhiều bước đi nhằm trục xuất thêm nhiều người không có giấy tờ và cải thiện sự hội nhập của người di cư, nội dung của dự luật nghiêng hẳn về phần thực thi và nhận được sự chấp thuận của Thượng viện, nơi cánh hữu kiểm soát.

Sau khi bị Hạ viện bác bỏ, dự luật bây giờ có thể được gửi trở lại Thượng viện hoặc Chính phủ có thể quyết định rút lại nó. Chính phủ cũng có thể triệu tập một ủy ban nhỏ gồm các nhà lập pháp từ cả 2 viện để cố gắng đạt được thỏa hiệp.

Sự bế tắc đã làm gia tăng suy đoán rằng Chính phủ của ông Macron cuối cùng sẽ một lần nữa chọn kích hoạt Điều 49.3 của Hiến pháp, cho phép chính phủ “vượt mặt” Quốc hội khi thông qua một dự luật mà không cần bỏ phiếu. Điều tương tự đã xảy ra với các cải cách hưu trí gây tranh cãi hồi đầu năm nay.

Nhưng Chính phủ Pháp muốn tránh sử dụng biện pháp không được ưa chuộng rộng rãi này, vì nó sẽ dẫn tới một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và có thể là rất nhiều rắc rối sau đó.

Minh Đức (Theo NY Times, National News)