Thế giới

Pháp: Bảo tàng Louvre bị người biểu tình chặn lối

Hàng chục người biểu tình, trong đó có cả nhân viên của Bảo tàng Louvre, đã tập trung bên ngoài kim tự tháp bằng kính để phản đối việc cải cách lương hưu.

Các nhân viên tại Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp) đã phối hợp với những người biểu tình cải cách lương hưu để chặn lối vào bảo tàng hôm 27/3.

Việc người biểu tình chặn cửa khiến khách du lịch không thể thăm bảo tàng – nơi trưng bày những tác phẩm nghệ thuật vô giá như “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci và “Cái chết của trinh nữ” của Caravaggio.

Người biểu tình chặn lối vào bảo tàng Louvre (Paris, Pháp) để phản đối cải cách lương hưu ngày 27/3. Ảnh: AP

Các cuộc biểu tình vốn được lên kế hoạch vào ngày 28/3, nhưng vì bảo tàng thường đóng cửa vào thứ Ba nên nhân viên đã biểu tình sớm một ngày.

“Hãy tham gia cùng chúng tôi để ủng hộ Mona Lisa đình công”, công đoàn CGT viết trên Twitter, đăng kèm hình ảnh chế nàng Mona Lisa già nua nhăn nheo cùng dòng chữ: “64 tuổi, không được”.

Nhiều thành phố trên khắp nước Pháp đã rung chuyển bởi các cuộc biểu tình, một số trong đó biến thành bạo loạn và đốt phá, kể từ khi chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron công bố dự luật nâng tuổi nghỉ hưu của hầu hết người lao động từ 62 lên 64 tuổi.

Hơn một triệu người Pháp đã xuống đường vào thứ Năm tuần trước (23/3), theo số liệu của chính phủ. Tại Paris, hàng trăm người đã bị bắt sau khi đốt phá và đụng độ với cảnh sát.

Các cuộc biểu tình đang khiến uy tín của ông Macron sụt giảm, không chỉ ở nước Pháp mà còn cả trên trường quốc tế. Vị tổng thống Pháp đã buộc phải hoãn vô thời hạn chuyến thăm cấp nhà nước của Vua Anh Charles III, AFP đưa tin.

Chính phủ Pháp lo ngại chuyến thăm có thể trở thành mục tiêu khi thời điểm dự kiến trùng với một cuộc biểu tình lớn với hàng trăm nghìn người tham gia. Giờ đây, thay vì Pháp, Đức mới là quốc gia đầu tiên mà Vua Charles III viếng thăm kể từ khi lên ngôi.

Đáng lo ngại là phe biểu tình Pháp đang thu hút được ngày càng nhiều người tham gia, bao gồm những người trẻ còn rất lâu nữa mới chịu tác động của kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu.

Đây là một dấu hiệu xấu với ông Macron, cho thấy cuộc biểu tình đã vượt ra ngoài phạm vi tuổi nghỉ hưu và chạm đến cả các vấn đề khác, chứng tỏ nỗi thất vọng của một bộ phận không nhỏ người dân Pháp với ông. “Sự bực bội và tức giận đã ở mức mà tôi hiếm khi nhận thấy”, cựu Tổng thống Pháp François Hollande, người tiền nhiệm của ông Macron, nói.

Dù tình hình ngày càng căng thẳng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã từ chối hủy hay hoãn cải cách hưu trí. Thay vào đó, ông Macron giao cho Thủ tướng Elisabeth Borne nhiệm vụ thuyết phục các thành viên quốc hội ủng hộ luật hưu trí mới.

Vẫn chưa rõ các nỗ lực của Thủ tướng Pháp có giúp cải thiện dư luận hay không, nhưng bà Borne cho biết cải cách lương hưu sẽ được tiến hành tùy thuộc vào quyết định của Hội đồng Hiến pháp. Các đảng đối lập đang hy vọng Hội đồng sẽ ra phán quyết hủy bỏ luật vì chính phủ Pháp đã thông qua cải cách mà không bỏ phiếu tại quốc hội. Họ còn kêu gọi ông Macron hoặc bà Borne phải từ chức.

Minh Hoa (t/h theo Tiền Phong, Thanh Niên, Zing)