Thế giới

“Pháo đài bay” mang tên Giấc mơ của Ukraine hiện ra sao?

Giao tranh ác liệt giữa Nga và Ukraine đã xảy ra ở sân bay thủ đô Kyiv - nơi chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới Antonov An-225 Mriya (giấc mơ) đang hạ cánh.

Nga đã phát động một cuộc tấn công trên diện rộng vào Ukraine từ sáng sớm ngày 24/2, đánh vào các thành phố và căn cứ quân sự quan trọng bằng các cuộc không kích hoặc pháo kích, khiến 100.000 dân thường Ukraine phải chạy trốn bằng đường sắt và đường bộ.

Quân đội Nga hôm 24/2 đã tiến công từ 3 phía, Bắc – Đông – Nam, dẫn đến một số nhận định cho rằng mục tiêu cuối cùng của Nga là bao vây thủ đô Kyiv của Ukraine.

Một số cuộc giao tranh dữ dội nhất diễn ra bên ngoài Kharkiv ở phía Đông Bắc, theo The New York Times. Các lực lượng Nga đã sử dụng hơn 100 tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn để tấn công các cơ sở quân sự và các mục tiêu phòng không của Ukraine, The New York Times dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết.

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã có ít nhất 137 người thiệt mạng và 316 người bị thương.

Những tiếng nổ lớn đã được nghe thấy ở thủ đô của Ukraine vào đầu ngày 25/2, theo một nhân chứng của Reuters. Nhân chứng này cho biết, tiếng nổ nghe tương tự như tiếng pháo.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã xác nhận thông tin trên.

Ukraine tái chiếm sân bay Hostomel

Vệ binh Quốc gia Ukraine đã tái chiếm Sân bay Quốc tế Antonov ở Hostomel, cách thủ đô Kyiv hơn 32km, vào cuối ngày 24/2, sau một cuộc đụng độ với trực thăng tấn công và máy bay chiến đấu phản lực của Nga, theo trang web của Bộ Nội vụ Ukraine.

Các video được chia sẻ trên Twitter cho thấy trực thăng Ka-52 và Mi8 của Nga đáp xuống sân bay quân sự chiến lược này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đứng phát biểu, phía sau là chiếc An-225 Mriya, tại nhà máy sản xuất máy bay Antonov ở Kyiv, Ukraine, tháng 5/2021. Ảnh: The Drive

Một cuộc đụng độ ác liệt đã diễn ra ở đây – một địa điểm có giá trị cực kỳ cao đối với các nhà hoạch định chiến tranh của Nga.

Cuối cùng, sân bay đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Ukraine, Oleksiy Arestovich, Phó chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết.

Đây được coi là một tin tức ý nghĩa và tích cực đối với quân đội Ukraine, và ý nghĩa của thắng lợi này còn lớn hơn nữa vì sân bay Hostomel là nơi chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới Antonov An-225 Mriya đang hạ cánh.

Chiếc Antonov An-225 Mriya, tiếng Ukraine "Мрія" nghĩa là "Giấc mơ", do Tổ hợp Khoa học công nghệ hàng không Antonov (thuộc Liên Xô cũ) chế tạo.

An-225 được sử dụng chủ yếu để vận chuyển hàng hóa thương mại. Theo FlightAware.com, An-225 được xác nhận là có mặt tại sân bay Hostomel (hoặc Gostomel) phía Tây Bắc Kyiv sau khi bay từ Billund, Đan Mạch đến đó gần 3 tuần trước.

Máy bay vận tải lớn nhất thế giới Antonov An-225 Mriya. Mriya trong tiếng Ukraine nghĩa là Giấc mơ. Ảnh: The Drive

Dmytro Antonov, Cơ trưởng của Hãng hàng không Antonov, được cho là đã đăng một thông điệp lên mạng xã hội vào ngày 24/2 cho biết rằng Mriya vẫn “toàn vẹn”.

Không rõ điều này có nghĩa là An-225 hoàn toàn không bị hư hại hay không.

“Pháo đài bay” thuộc sở hữu của Ukraine

Mriya thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1988, có trọng lượng cất cánh tối đa là 1,4 triệu pound (635 tấn), hơn nhiều so với máy bay chở hàng lớn nhất của Không quân Hoa Kỳ, Lockheed Martin C-5 Galaxy (trọng lượng cất cánh tối đa của Galaxy là khoảng 840.000 pound).

Mriya được trang bị 6 động cơ phản lực Progress D-18 và có sải cánh dài 290 feet (88,4m).

Một trong những vai trò chính mà An-225 được thiết kế là vận chuyển tên lửa đẩy Energia và tàu quỹ đạo Buran cho chương trình không gian của Liên Xô, tương tự như Máy bay vận tải hàng không Boeing 747 danh tiếng của NASA.

Phi hành đoàn xếp vật tư y tế, bao gồm 8 triệu chiếc khẩu trang, lên An-225, để vận chuyển từ Trung Quốc đến Đức hồi tháng 4/2020. Ảnh: The Drive

Sau khi Liên Xô sụp đổ và chương trình Buran bị hủy bỏ, Mriya nằm im trong khoảng thời gian từ năm 1993 đến năm 2000. Năm 2001, chiếc máy bay này được tân trang lại để phục vụ các hoạt động vận tải thương mại.

Gần đây, “pháo đài bay” khổng lồ đã được sử dụng để vận chuyển vật tư y tế trên khắp thế giới nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19.

Minh Đức