Hồ sơ điều tra

Phản ứng của Chủ tịch xã Cư Đrăm khi bị tố tự ý thanh lý gỗ tang vật

Ông Lê Văn Long, Chủ tịch huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã chỉ đạo cho Công an huyện cùng Thanh tra huyện xác minh, điều tra làm rõ vụ việc Chủ tịch xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tự ý thanh lý gỗ tang vật bắt được.

Clip: Thực hư việc Chủ tịch xã Cư Đrăm tự ý thanh lý nhiều gỗ tang vật?

Theo ông Long, trước đó, UBND huyện nhận được đơn của ông Trần Thế Tôn (ngụ xã Cư Đrăm) tố cáo ông Nguyễn Văn Trung – Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm đã nhiều lần tự ý thanh lý, tẩu tán gỗ lậu tang vật mà xã này bắt của người dân.

Số gỗ của ông T. được đưa về UBND xã Cư Đrăm xử lý.

Theo phản ánh, vào khoảng 22h ngày 26/8/2018, ông T. Đ.T. (trú tại xã Cư Đrăm) điều khiển xe ô tô BKS 53L-6762 chở 3 tấm gỗ Pơ Mu (90cm x 3,2m x 15cm; 80cm x 3,2m x 15cm; 70cm x 3,2m x 15cm) mà ông mua lại của một hộ dân trong xã với giá 50 triệu đồng đi gia công. Trên đường đi, khi đến buôn Chàm B, xe ông T. bị một công an viên và ông Trung chặn lại, yêu cầu đưa về cơ quan xử lý.

“Năm ngày sau, một đồng chí công an xã có gọi tôi ra quán cà phê trước xã yêu cầu nộp 3 triệu tiền phạt, nhưng tôi nói là mất hết gỗ rồi không có tiền nộp nữa. Sau đó, người này yêu cầu tôi lùi xe vào sau ủy ban đổ gỗ xuống rồi cho đem xe về và cũng không lập biên bản gì cả. Đến nay tôi chưa nhận được bất cứ thông báo gì về 3 tấm gỗ và không biết số gỗ này ở đâu”, ông T. bức xúc nói.

Ông T. phản ánh sự việc Chủ tịch xã Cư Đrăm tự ý thanh lý gỗ tang vật.

Tương tự, ông Dương Văn H. (SN 1968, thôn Ea Bar, xã Cư Pui) cũng phản ánh, vào tháng 12/2016, ông bị lực lượng chức năng xã Cư Đrăm 2 lần bắt xe (mỗi lần cách nhau khoảng 10 ngày - PV). Trong đó, một lần xe ông H. chở 83 trụ tiêu và một lần xe ông chở 53 trụ tiêu.

“Trong 2 lần bị bắt xe, tôi không bị lực lượng chức năng của xã xử phạt cũng như lập biên bản”, ông H. nói.  

Theo ông H., số trụ tiêu trên ông mua của người dân trong vùng, mỗi trụ có giá 220.000 đồng, về để trồng tiêu. Số trụ tiêu đó được để lại trên UBND xã, giờ ông cũng không biết số gỗ đó đi đâu.

Trước sự việc xảy ra, ông Trần Thế Tôn (trú tại xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đã đứng ra làm đơn gửi đến cơ quan chức năng tố cáo hành vi sai phạm của Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm.

“Trước đây, tôi từng công tác tại xã Cư Đrăm nên nắm biết được việc làm chưa đúng của chủ tịch. Thay vì bắt được gỗ lậu phải chuyển giao vụ việc cho Kiểm lâm hay Công an, UBND xã Cư Đrăm mà cụ thể là chủ tịch xã đã tự ý thanh lý. Sự việc đã gây bất bình trong nhân dân", ông Tôn nói.

 Ông Trung cho rằng mình bị vu khống.

Trước sự việc trên, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch xã Cư Đrăm.

Theo ông Trung, trên địa bàn những năm qua tình trạng khai thác vận chuyển gỗ lậu luôn diễn ra phức tạp. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ trực tiếp đi bắt xe gỗ nào.

“Chỉ có lực lượng công an xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm tuần tra và bắt gỗ, sau đó đưa về xã để lập biên bản xử lý. Tất cả tang vật và biên bản sau đó được bàn giao cho kiểm lâm chứ tôi chưa bao giờ trực tiếp ra đường bắt gỗ cả”, ông Trung khẳng định.

Lúc này, PV đưa ra những hình ảnh mà người tố cáo cung cấp về những tang vật của ông T. được đưa về xã xử lý thì ông Trung phản ứng: “Họ đã vu cáo tôi. Hình ảnh chiếc xe chở tang vật nằm trong khuôn viên của UBND xã nhưng tôi không biết là từ khi nào. Có thể là lực lượng Kiểm lâm phối hợp với công an xã bắt xe và đưa về UBND xã gửi tạm. Xe vào và ra thời điểm nào tôi hoàn toàn không biết…”.

Trong khi đó, ông Y Te Bkrông, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông khẳng định, hạt Kiểm lâm không bắt và không xử lý chiếc xe BKS 53L-6762 liên quan đến chở gỗ như trong hình ảnh tố cáo.

Nói về việc bắt và xử lý 133 trụ tiêu của ông Dương Văn H., ông Y Te cũng khẳng định: “Tôi về làm ở hạt Kiểm lâm này gần 10 năm rồi. Chúng tôi chưa bắt vụ vận chuyển gỗ trụ tiêu nào. Ông Trung nói phối hợp với kiểm lâm bắt, vậy thì bắt khi nào? Và nếu có bắt bàn giao cho kiểm lâm thì phải có biên bản".

Cũng theo ông Y Te, 3 tấm gỗ Pơ Mu có khối lượng hơn 1m3, giá trị hiện nay là 27 triệu đồng/m3, và hơn 100 trụ tiêu là không phải thẩm quyền của xã xử lý mà phải bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

“Tất cả gỗ tang vật, dù chỉ là một thanh củi cũng phải qua hội đồng thẩm định giá mới được thanh lý”, ông Y Te cho biết thêm.

Còn ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Sau khi nhận đơn tố cáo của ông Tôn, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện và Thanh tra huyện điều tra xác minh vụ việc. Trong đơn tố cáo của ông Tôn có cái đúng và cũng có cái sai. Sau khi công an có kết luận cuối cùng, nếu Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm sai đến đâu sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không có chuyện bao che, né tránh”.