Công nghệ

Phản ứng của Apple và Google trước dự luật cấm độc quyền hệ thống thanh toán của Hàn Quốc

Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật mới nhằm hạn chế Apple, Google và các công ty khác độc quyền thanh toán mua hàng trong ứng dụng.

Quốc hội Hàn Quốc ngày 31/8 đã thông qua một dự luật cấm các công ty như Apple và Google ép nhà phát triển ứng dụng (NPT) chỉ sử dụng phương thức thanh toán trong ứng dụng. Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua một dự luật như vậy.

Dự luật được Đảng Dân chủ Đồng hành của Tổng thống Hàn Quốc ủng hộ và sẽ chính thức trở thành luật khi được Tổng thống ký phê chuẩn.

Các tập đoàn công nghệ lớn đã hứng chịu nhiều chỉ trích do yêu cầu NPT sử dụng phương thức mua hàng trong ứng dụng mà trong đó các tập đoàn này hưởng mức phí hoa hồng có thể lên đến 30%. Theo các tập đoàn, phí hoa hồng này giúp chi trả chi phí duy trì các chợ ứng dụng.

Dự luật mới được thông qua cấm các tập đoàn quản lý chợ ứng dụng dùng vị trí độc quyền của mình để yêu cầu sử dụng phương thức mua hàng trong ứng dụng, có nghĩa là các NPT được sử dụng phương thức bên ngoài ứng dụng. Mục đích của dự luật là nhằm khuyến khích cạnh tranh công bằng hơn.

Dự luật này cũng ngăn ngừa các tập đoàn trả đũa NPT bằng cách cấm các tập đoàn quản lý chợ ứng dụng trì hoãn bất hợp lý việc chấp thuận ứng dụng mới.

Dự luật cũng sẽ cho phép giới chức Hàn Quốc điều tra các công ty quản lý chợ ứng dụng nhằm tìm ra các tranh chấp và ngăn ngừa các hành động cản trở cạnh tranh công bằng.

Dự luật mới sẽ chính thức trở thành luật sau khi Tổng thống Moon Jae-in ký phê chuẩn. Ảnh: AFP/Jung Yeon-je

Giới quản lý châu Âu, Trung Quốc và một số thị trường khác lâu nay vốn lo ngại về sự thống trị của Apple, Google và các tập đoàn công nghệ hàng đầu khác trong mảng thanh toán, quảng cáo online và một số lĩnh vực khác. Cơ quan quản lý Trung Quốc đã phạt một số tập đoàn vì hành vi vi phạm luật chống độc quyền, trong lúc nhiều chính phủ khác đang vật lộn với việc tìm ra cách tốt nhất duy trì thị trường cạnh tranh.

Hiệp hội Doanh nghiệp Internet tại Hàn Quốc (KISA), một tổ chức vận động hành lang bao gồm các công ty Internet lớn nhất Hàn Quốc như Naver, hoan nghênh việc thông qua dự luật mới. KISA tuyên bố rằng dự luật sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn và cho người dùng nhiều sản phẩm hơn với giá thấp hơn.

Đáp lại động thái này, Apple chỉ trích dự luật này trong một thông báo cùng ngày, nói rằng dự luật sẽ "đem lại rủi ro lừa đảo cao hơn cho khách hàng khi họ mua sản phẩm số từ các nguồn khác, làm xói mòn các cơ chế bảo vệ quyền riêng tư và gây khó khăn trong quản lý mua hàng”, và làm giảm hiệu quả các biện pháp kiểm soát của phụ huynh cùng nhiều tính năng khác.

“Chúng tôi tin rằng niềm tin của người dùng đối với sản phẩm mua qua App Store sẽ suy giảm do dự luật này,” Apple cho biết.

Vào tuần trước ở Mỹ, Apple thông báo công ty này sẽ cho phép NPT các ứng dụng trên iPhone và iPad gửi email đến người dùng về các phương thức rẻ hơn để mua sản phẩm và dịch vụ số. Động thái nhượng bộ này là một phần của thỏa thuận ban đầu sau vụ kiện của các NPT ở Mỹ. 

Google cho biết đang xem xét cách tuân thủ dự luật mới. Công ty cho biết “Google Play không chỉ cung cấp phương thức xử lý thanh toán, và phí dịch vụ của chúng tôi giúp giữ Android miễn phí và cung cấp cho các NPT công cụ và nền tảng tiếp cận hàng tỷ khách hàng trên khắp thế giới”.

Google cũng nói thêm, “Cũng như việc NPT phải tốn chi phí phát triển ứng dụng, chúng tôi phải chi tiền khi xây dựng và duy trì một hệ điều hành và cửa hàng ứng dụng. Chúng tôi sẽ xem xét cách tuân thủ dự luật mới trong khi vẫn duy trì một mô hình hỗ trợ hệ điều hành và cửa hàng ứng dụng chất lượng cao, và chúng tôi sẽ chia sẻ thêm về điều này trong những tuần tới”.

(Theo AP News)