Cần biết

Phân loại rác thải tại nguồn - cho rác thải được tái sinh có ích

Với sự phát triển nhanh của xã hội, chất thải ngày càng được sinh ra nhiều hơn. Phân loại và tái chế rác là điều cần thiết để giảm nguồn chất thải, góp phần bảo vệ môi trường.

Thực trạng

Theo thống kê, hiện nay, trung bình mỗi ngày TP. Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại. Ngoài ra, tại thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng hơn 9 nghìn tấn rác sinh hoạt. Đà Nẵng là khoảng hơn 1,2 nghìn tấn. 

Đến năm 2030, Việt Nam dự tính có tới 54 triệu tấn rác thải sinh hoạt cần phải xử lý. Lượng rác tại Việt Nam hiện nay được chôn lấp là chủ yếu, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí quỹ đất.

Việc phân loại rác thải đóng vai trò quan trọng trong công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phân loại đúng còn góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý rác thải. Đây cũng là những nội dung đặt ra trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Việc phân loại và xử lý rác tại nguồn mang lại rất nhiều lợi ích, cụ thể:

- Lượng rác sau phân loại giảm đi rõ rệt:

Phân loại rác thải tại nguồn giúp giảm chu kỳ thu gom (7 - 10 ngày mới phải thu gom một lần), giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý, tăng hiệu quả vận chuyển.

- Giảm thiểu lượng rác phải xử lý, tăng lượng rác có thể tái chế:

Sau khi phân loại, các công ty rác thải chủ yếu chỉ phải xử lý rác thải vô cơ không thể tái chế. Rác hữu cơ có thể phân hủy sau 1 thời gian có thể khai thác mùn làm phân bón. Đối với rác vô cơ có thể tái sử dụng hoặc tái chế thành đồ dùng cho sản xuất đời sống.

Điều này góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.

- Phân loại rác tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường.

Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2021

Hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn:

Rác thải sinh hoạt hiện nay được chia thành 03 loại chính: Rác hữu cơ, Rác vô cơ và Rác tái chế.

Hướng dẫn phân loại rác thải: Rác vô cơ, Rác hữu cơ, Rác tái chế

- Rác hữu cơ: là rác dễ dàng phân hủy, như: thực phẩm thừa, hư hỏng không thế sử dụng, các loại lá cây, hoa, cỏ,... sau quá trình phân hủy có thể sản xuất làm phân bón hoặc thức ăn cho động vật.

- Rác vô cơ: là rác không thể sử dụng và cũng không thể tái chế, gồm các chất thải xây dựng, các loại bao bì, vỏ hộp không thể tái chế, hộp sữa, vật dụng, thiết bị trong nhà, phương pháp xử lý chủ yếu là chôn, lấp.

- Rác tái chế: Là các loại rác khó phân hủy nhưng có khả năng tái chế thành các sản phẩm có thể sử dụng được, thường là: giấy thải, các loại vỏ hộp chai, lọ, vỏ lon thực phẩm, kim loại.

Dựa vào cách phân loại trên, mỗi hộ gia đình nên sử dụng thùng rác 2 ngăn hay 2 thùng rác riêng biệt để đựng 2 loại rác vô cơ và hữu cơ.

Thùng đựng rác vô cơ, hữu cơ riêng biệt

Đặc điểm của thùng rác 2 ngăn:

+ Mỗi ngăn có một màu riêng biệt, ví dụ ngăn màu xanh quy định rác hữu cơ, ngăn màu đỏ quy định rác hữu cơ, nếu có thêm hình vẽ biểu trưng loại rác thải ở mỗi ngăn thì việc phân loại sẽ dễ dàng hơn.

+ Việc quy định màu sắc, hình vẽ đặc trưng cho mỗi loại rác thải cần phải đồng bộ ở tất cả mọi nơi là điều vô cùng quan trọng, để cho dù có ở đâu thì khi vứt rác mọi người không bị nhầm lẫn.

+ Để hình thành thói quen phân loại, chính quyền địa phương cung cấp cho mỗi nhà dân poster về danh sách các loại rác thải vô cơ, hữu cơ, poster nên được dán trên tường ở gần thùng rác.

Để việc phân loại rác thải tại nguồn thành công, cần sự đồng lòng, quyết tâm của người dân và hệ thống chính trị, tất cả cùng tham gia như một cuộc cách mạng. Phân loại rác tại nguồn sẽ cho rác thải bao bì một vòng đời mới, cho rác thải hữu cơ được tái sinh có ích, biến rác thải thành tài nguyên phục vụ con người.

Thu Hà