Giáo dục

Phản đối sát nhập trường, hàng trăm phụ huynh không cho con đi học

Hơn 200 học sinh các khối lớp 6, 7, 8 và 9 của xã Lạng Sơn đã không được đến lớp để học. Nguyên nhân, do phụ huynh không đồng tình việc sáp nhập trường.

Các em muốn đến lớp nhưng phụ huynh ngăn cấm

Sau khai giảng, các học sinh trên cả nước hồ hởi đến trường học nhưng hàng trăm em học sinh THCS ở xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An vẫn chưa được đến lớp.

Có một số học sinh đã tới trường nhưng sau đó gia đình, người thân không cho vào lớp. Đứng tập trung ngoài cổng trường đến nửa buổi, các em lần lượt ra về. Còn rất nhiều phụ huynh vẫn ở lại để yêu cầu chính quyền địa phương, lãnh đạo huyện trả lời việc họ phản đối sáp nhập trường.

Nhiều phụ huynh đứng tại trường để phản đối việc sát nhập. Ảnh Tường Vy.

Ông Lê Đình Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Khai Lạng cho hay, từ sau hôm khai giảng đến nay, ban giám hiệu, giáo viên và lực lượng công an ngày nào cũng có mặt ngay trước cổng, để kêu gọi các em vào lớp học như thường lệ.

Tuy nhiên, kết quả các khối 6 và 7 không có em nào được vào lớp. Chỉ có 11 em học sinh lớp 8 vào học bình thường. Có 52 em đang học khối lớp 9 thì cũng chỉ có 3 em đến lớp. Số còn lại phải nghỉ ở nhà vì cha mẹ phản đối chuyện sáp nhập nhà trường.

Nguyên nhân sự việc bắt đầu từ cách đây 4 năm. Lúc đó, trường THCS Lạng Sơn và trường THCS Khai Sơn, huyện Anh Sơn sáp nhập thành trường THCS Khai Lạng. Tuy nhiên, do phụ huynh chưa đồng tình nên các năm học trước, chỉ mới sáp nhập lớp 9 của trường THCS Lạng Sơn vào trường THCS Khai Lạng.

Sau đó, dù sáp nhập nhưng trường vẫn duy trì 2 điểm, trong đó cơ sở chính đặt tại xã Khai Sơn, còn cơ sở 2 đặt tại xã Lạng Sơn. Theo lộ trình, đầu năm học này, toàn bộ khối 6, 7, 8 sẽ được chuyển về trường mới.

Điểm trường 1 THCS Khai Lạng có cơ sở vật chất được đầu tư khá đầy đủ. Ảnh Tường Vy.

Nhưng khi nhận được thông tin, trước khi chính thức bước vào năm học 2022-2023, nhiều người dân xã Lạng Sơn đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng huyện Anh Sơn xem xét lại việc sáp nhập trường do có nhiều điều chưa hợp lý.

Cụ thể, cơ sở vật chất của trường mới chưa đảm bảo cho toàn bộ học sinh THCS của hai xã. Việc đi lại của các cháu từ lớp 6 đến lớp 8 từ Lạng Sơn sang Khai Sơn rất vất vả, xóm xa nhất cách trường 7-8km.

Ngoài ra, nhiều người dân cũng cho rằng, Lạng Sơn vốn có truyền thống hiếu học, trường THCS Lạng Sơn là đơn vị đầu tiên của huyện có cơ sở vật chất phòng học hai tầng. Vì vậy, nếu sáp nhập trường sang xã khác sẽ làm mai một truyền thống của địa phương, và Lạng Sơn sẽ bị mất trường THCS.

Trước ý kiến này, Huyện ủy Anh Sơn đã chỉ đạo trường THCS Khai Lạng dừng việc đưa học sinh lớp 6, 7, 8 ra cơ sở 1. Tuy nhiên, sau đó phụ huynh vẫn tiếp tục phản đối, ngăn cản con em tới trường.

Nhiều lớp vắng học sinh do các em bị cha mẹ cấm đến trường. Ảnh Tường Vy.

Giải quyết dứt điểm vụ việc, nhanh chóng đưa học sinh đến trường

Ông Đoàn Văn Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn, cho biết đề án sáp nhập THCS Khai Sơn và THCS Lạng Sơn xuất phát từ thực tế quy mô trường lớp và phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp của huyện.

Mục tiêu tập trung đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại đảm bảo đầy đủ các điều kiện cần thiết cho công tác quản lý và dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, giảm bớt đầu mối quản lý, sắp xếp lại đội ngũ viên chức phù hợp.

“Việc phụ huynh không cho con em đến trường là đáng tiếc, ảnh hưởng đến quyền đi học của các em. Hiện, ngành giáo dục đang phối hợp với chính quyền địa phương vận động phụ huynh cho các em trở lại trường”, ông Thanh nói.

Việc sáp nhập nhưng vẫn duy trì 2 điểm trường gây khó khăn trong việc bố trí giáo viên. Có những buổi học, một giáo viên phải đi lại 2 điểm trường rất vất vả.

Năm học này, khối lớp 9 trường THCS Khai Lạng có 105 học sinh, được chia làm 3 lớp. Trong đó có 52 học sinh ở xã Lạng Sơn, 53 học sinh ở xã Khai Sơn. Nếu phải chia về cho xã Lạng Sơn theo yêu cầu của một số phụ huynh thì phải bố trí đến 4 lớp 9, vì quy định mỗi lớp không được quá 45 học sinh. Như vậy sẽ rất khó cho nhà trường trong việc bố trí giáo viên, chưa kể gây lãng phí.

Lãnh đạo huyện họp với giáo viên trường THCS Khai Lạng để tìm biện pháp tháo gỡ, đưa học sinh đến lớp. Ảnh Tường Vy.

Liên quan đến vụ việc, trưa 7/9, ông Đặng Xuân Quang, Phó Bí thư Huyện ủy Anh Sơn đã có mặt, chủ trì cuộc họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên trường THCS Khai Lạng và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn.

“Trước mắt huyện sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền, dân vận. Đối với khối 9 do ở cơ sở Lạng Sơn không chuẩn bị cơ sở vật chất dạy học, nên quan điểm của huyện là đưa các em về cơ sở chính để học tập”, Phó Bí thư Huyện ủy cho biết.

Ông Đặng Xuân Quang cũng đề nghị nhà trường chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh và bù kiến thức khi các em đi học trở lại. Còn đối với những cá nhân ngăn cản học sinh đi học là sai trái và gây thiệt thòi cho học sinh.

Anh Ngọc - Tường Vy