Tiêu điểm

“Phấn đấu đến năm 2022, người về hưu được hưởng chính sách mới”

Chính sách lương hưu Chính phủ đang lấy phiếu các thành viên, sẽ trình Thủ tướng xem xét quyết định.

Mức điều chỉnh dự kiến là 7,4%

Sau Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung là thành viên Chính phủ thứ 2 đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 10/11. Có 40 đại biểu tại hội trường và 1 đại biểu ở Tp. HCM đăng ký nêu câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang) chất vấn, người nghỉ hưu trước năm 1995 đã cao tuổi, lương hưu thấp, nhiều người chật vật mưu sinh. Đây là nhóm người dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh. Bộ trưởng giải quyết vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Hương cũng đặt câu hỏi về việc, báo chí đưa tin gần đây có 22.000 người nhận nhầm hỗ trợ. Bộ có nắm được không, xử lý thế nào, kết quả ra sao?

Toàn cảnh phiên họp. 

Trả lời câu hỏi nêu trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vừa qua phải dừng cải cách tiền lương, nhưng trong đề xuất của Chính phủ vẫn cho phép điều chỉnh lương hưu, nhất là những người về hưu trước năm 1995 và người có lương hưu thấp.

Chính phủ đang lấy phiếu các thành viên, sẽ trình Thủ tướng xem xét quyết định vấn đề này. Trước đây dự kiến 1/7/2022 sẽ điều chỉnh lương hưu, nhưng do dịch bệnh khiến đời sống người hưởng lương hưu khó khăn, Bộ đề xuất Chính phủ điều chỉnh sớm hơn, từ ngày 1/1/2022. Mức điều chỉnh dự kiến là 7,4%. Tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu là 12.650 tỷ đồng.

"Chúng tôi phấn đấu đến 1/1/2022, người về hưu được hưởng chính sách mới", Bộ trưởng Dung nói.

Không có chuyện phát nhầm hỗ trợ

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.

Nói về một tỉnh phát nhầm tiền hỗ trợ cho 22.000 người, Bộ trưởng Dung khẳng định không phải là phát nhầm và nhận nhầm với con số lớn như vậy.

Bộ trưởng Dung thông tin, ông đã trực tiếp trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo bằng văn bản, đồng thời cử một Thứ trưởng cùng các đơn vị vào kiểm tra thực tế, gặp người phát, người nhận nhầm. Kết quả chỉ có 1.490 trường hợp nhận nhầm.

Về con số 22.000, Bộ trưởng lý giải là chính sách riêng của tỉnh Bình Dương hỗ trợ thêm cho người lao động để giảm giá nhà trọ trong lúc khó khăn với mức 800.000 đồng/người. Khi đến trực tiếp địa bàn kê khai, nhiều người cùng khai hộ dẫn tới trùng nhau về tên, tuổi nên con số vọt lên quá lớn. Các cơ quan cũng đã rà soát lại.

Về số người nhận nhầm hỗ trợ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, phần đông người nhận nhầm đã tự hoàn trả lại số tiền, đến nay công việc đã được giải quyết và đã thu hồi được 1,6 tỷ đồng.

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cơ bản đi đúng hướng

Đại biểu Lò Thị Việt Hà (Đoàn Tuyên Quang) chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về kết quả thực hiện gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, liệu có đạt hiệu quả như mong muốn?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sau 4 tháng, tuy chính sách còn một số bất cập nhưng cơ bản đang đi đúng hướng và hiệu quả, thiết thực ở cơ sở. Đồng thời, dư luận xã hội và người thụ hưởng đánh giá cao.

Tuy nhiên, thời gian 4 tháng còn ngắn so với chính sách, bởi vì khoảng 50% chính sách có yếu tố hỗ trợ ngay tức thì, còn lại là chính sách kéo dài hơn như vay trả lương, phục hồi sản xuất đến hết tháng 3/2022, chính sách đào tạo lại lực lượng lao động sau giãn cách kéo dài đến hết tháng 6/2022.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung so sánh với chính sách của gói 38.000 tỷ, hầu hết chi trả được ngay, chỉ trong một tuần đầu tiên, tất cả các doanh nghiệp thuộc diện đã được hỗ trợ, 75% người lao động cũng đã nhận tiền.