Giáo dục

"Phải đổi mới để sinh viên ra trường không phải tìm việc mà tạo việc làm cho người khác"

Phát biểu tại tọa đàm “Phát triển nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp”, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh yêu cầu đổi mới phương pháp đào tạo giáo dục đại học, khẳng định động lực và áp lực để đưa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp phải đến với nhau một cách bền vững.

Sáng 30/3, bộ GD&ĐT và bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp cùng tổ chức tọa đàm “Phát triển nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp”, nhằm thực hiện có hiệu quả một trong ba đột phá chiến lược của Đảng, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, trong đó, lấy công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) làm nền tảng.

Ngành ICT đã trở thành ngành kinh tế lớn dựa trên tri thức và công nghệ với quy mô 100 tỷ USD và xấp xỉ 1 triệu lao động tri thức.

Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt cũng như bền lâu là đổi mới đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học phải làm sao cho sinh viên ra trường không phải đi tìm việc làm mà có thể khởi nghiệp, tạo việc làm cho người khác. 

Theo ông, các cơ sở giáo dục đào tạo mỗi năm có mức độ tăng trưởng lớn, tiến đến năm 2020, có khoảng 100.000 cử nhân công nghệ thông tin, mà trong số 50.000 sinh viên tốt nghiệp chỉ có 30% có việc làm. Vậy, còn nhiều băn khoăn với chất lượng đào tạo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Cần tạo một hệ sinh thái kết hợp giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà tuyển dụng”.

Chính vì vậy, ông cho rằng: “Phải mạnh dạn và quyết liệt đổi mới, tạo ra đổi mới trong phương pháp đào tạo. Các cơ sở giáo dục đào tạo phải đi từ thực tế và xuất phát từ thị trường, không đưa sinh viên đi thực tập vì số lượng mà phải tập trung đi sâu vào chất lượng, phải sát sao giống như sinh viên trường y.

Bên cạnh đó, để thực hiện cuộc các mạng đổi mới tư duy đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học phải chuyển đổi từ quản lý sang quản trị”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Cần tạo một hệ sinh thái kết hợp giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà tuyển dụng”.

Các lãnh đạo tham quan các gian triển lãm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trường bộ Thông tin & Truyền thông cũng đồng tình với nhiệm vụ đổi mới phương pháp đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học với tư duy phản biện, môi trường mô phỏng, thực hành học trong phòng lab…

“Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực, mỗi năm, doanh nghiệp có thể chi 5-10% cho đào tạo, để tạo thị trường cho các cơ sở giáo dục đại học đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, Bộ trường bộ Thông tin & Truyền thông gợi ý.

Tại buồi tọa đàm, nhiều tham luận về thực trạng, giải pháp, cơ chế chính sách để gắn kết cung - cầu trong đào tạo nhân lực, thúc đẩy hợp tác và nâng cao nhận thức của các chủ thể được các diễn giả trình bày.

Không gian triển lãm thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên tham gia.

Đại diện tập đoàn Samsung Việt Nam chia sẻ trong tham luận: “Sự phát triển vượt bậc trong ngành công nghệ là minh chứng khẳng định một cách rõ ràng nhất việc các sinh viên được đào tạo tại các trường đại học tại Việt Nam đã được đào tạo rất tốt, có sự am hiểu về công nghệ thông tin.

Theo tôi, trong thời gian tới, doanh nghiệp và nhà trường đẩy mạnh mối quan hệ gắn kết để tăng cường hiệu quả, cần lưu ý: Công nghệ trọng tâm, giáo trình tiên tiến, hạ tầng nghiên cứu, bồi dưỡng nhân tài để mối quan hệ doanh nghiệp và các trường đại học thêm khăng khít, nâng tầm đổi mới”.

Vị lãnh đạo của tập đoàn Samsung cũng nhấn mạnh: “Để phát triển, không thể chỉ dựa trên một đơn vị riêng lẻ nào mà cần có sự phối hợp giữa Nhà nước, cơ sở giáo dục đào tạo và doanh nghiệp...”.

TS. Nguyễn Vĩnh An, Phó Vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ, bộ Thông tin & truyền thông: “Bên cạnh hai chủ thể là doanh nghiệp và các trường đại học, còn có hai chủ thể quan trọng, đó là các cơ quan nhà nước và bản thân học sinh, sinh viên. Nhu cầu nhân lực thực tế trên thị trường cần được đưa vào bài toán tuyển sinh.

Tọa đàm về các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và gắn kết môi trường đào tạo và thị trường sử dụng nhân lực.

Các doanh nghiệp là nơi tiếp nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp, bộ Thông tin & truyền thông tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển, xây dựng thị trường ICT, có thị trường mới có bài toán cung - cầu tốt, đẩy nhanh tiến trình số hóa”.

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội, thực tế đào tạo nhân lực hiện nay, đang thừa số lượng, thiếu chất lượng và lệch nhu cầu thị trường. Vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học cần lấy sinh viên làm động lực, chất lượng sinh viên là áp lực đào tạo.

Trong khuôn khổ chương trình, ban tổ chức kết hợp hoạt động triển lãm với hàng chục gian hàng đến từ các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, diễn ra trong ngày 30/3, thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên tham quan.