Dân sinh

Phá rừng ở Thừa Thiên-Huế: Làm rõ dấu hiệu "cắt xén" tiền bảo vệ rừng

Số tiền khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75 của người dân ở xã Hồng Thuỷ, huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) thực nhận khác hơn nhiều so với số tiền ghi trong danh sách.

Nghị định 75/2015 của Chính phủ với mục tiêu quan trọng là hỗ trợ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhanh, bền vững từ việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài việc giao khoán diện tích rừng tự nhiên để bà con bảo vệ, phát huy các nguồn lợi từ rừng, Nhà nước còn chi trả tiền để hỗ trợ người dân trong công tác phát triển rừng bền vững này.

Nhiều địa phương sau quá trình thực hiện đã phát huy hiệu quả mục tiêu của Nghị định, thể hiện qua việc đã giúp nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi cuộc sống, khai thác tốt các nguồn lợi hợp pháp mà rừng được giao khoán mang lại, cũng như góp phần bảo vệ các cánh rừng tự nhiên khỏi vấn nạn lâm tặc.

Tuy nhiên, ở Thừa Thiên-Huế lại có những "khoảng tối" khi thực hiện chi trả số tiền theo Nghị định này.

Sau loạt bài phản ánh về vấn nạn lâm tặc hoành hành ở xã Hồng Thủy, huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) của Người Đưa Tin Pháp luật, nói về nguyên nhân ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc sở NN&PTNT, kiêm Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ, khu vực rừng mà PV phản ánh dù đã được giao khoán theo Nghị định 75 cho các nhóm cộng đồng bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều nhóm cộng đồng vẫn không chú tâm, còn ỉ lại lực lượng kiểm lâm nên nạn phá rừng vẫn xảy ra.

Tình trạng phá rừng ở A Lưới đang làm "đau đầu" các nhà chức trách ở Thừa Thiên-Huế. 

Phải chăng việc thực hiện giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75 tại địa phương chưa hiệu quả? Nguyên nhân nào khiến bà con vẫn không chú tâm trong việc bảo vệ, phát triển rừng được giao khoán? PV đã vào cuộc tìm hiểu.

Theo tìm hiểu, năm 2020, tại xã Hồng Thuỷ có khoảng 5.000 hecta diện tích rừng được giao khoán cho 20 nhóm cộng đồng của bà con để bảo vệ. Mỗi nhóm có khoảng 10-15 thành viên chủ yếu là người dân địa phương.

Để phát huy hiệu quả công tác bảo vệ rừng này, hằng năm vốn ngân sách gửi về UBND xã một số tiền để chi trả cho bà con thực hiện.

Theo đó, năm 2020, UBND xã Hồng Thuỷ đã chi trả tổng số tiền hàng trăm triệu đồng cho các nhóm tổ khoán bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, trên cơ sở phản ánh của người dân về số tiền được chi trả này khi đưa đến tay bà con đã “không đầy đủ” cùng danh sách chi trả mà PV có được, đã nhận ra nhiều dấu hiệu bất minh.

Cụ thể nhóm do ông Nguyễn Minh Nơn, trú ở thôn Kê 2, xã Hồng Thuỷ làm nhóm trưởng có 12 thành viên. Trong bản danh sách nhận tiền ghi ông Nơn nhận 2.784.000 đồng, 11 thành viên còn lại mỗi người nhận 2.600.000 đồng với tổng số tiền là 31.384.000 đồng. Thế nhưng, trên thực tế, trình bày với PV, ông Nơn cho biết, ông và các thành viên chỉ nhận mỗi người 1.300.000 đồng với tổng 15.600.000 đồng.

Số tiền ông Nơn và các thành viên nhận ghi trong danh sách của UBND xã Hồng Thuỷ.

Tuy nhiên, số tiền thực nhận mà ông Nơn và các thành viên nhận chỉ là 1.300.000 đồng.

Ông Nơn còn cẩn thận ghi lại thời gian và số tiền nhận trong sổ tay ghi chép và khẳng định những gì mình nói là sự thật.

“Tại sao khi ký nhận, ông vẫn ký đã nhận số tiền khác với số ghi trong danh sách?”, PV đặt câu hỏi.

Ông Nơn cho biết, khi ký nhận, phần ô tiền được bỏ trống nên không biết.

Ông Nguyễn Minh Nơn (áo phông xanh sọc) làm việc với PV.

PV tiếp tục làm việc với nhóm do ông Trần Văn Núi, trú ở thôn Kê 1, xã Hồng Thuỷ làm nhóm trưởng. Nhóm này có 12 thành viên, số tiền trong danh sách mà ông Núi nhận là 2.895.000 đồng, các thành viên còn lại nhận 2.870.000 đồng với tổng số tiền 34.465.000 đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, trao đổi với PV, ông Núi cho biết, bản thân ông và các thành viên chỉ nhận mỗi người 1.400.000 đồng.

Ông Núi cũng cho biết, khi ký nhận phần ô ghi số tiến nhận bị bỏ trống nên không biết.

Trong danh sách UBND xã Hồng Thuỷ ghi ông Núi nhận 2.895.000 đồng nhưng ông này và các thành viên nói chỉ nhận 1.400.000 đồng.

Ông Núi (áo phông xanh) trao đổi với PV.

PV tiếp tục tìm đến nhóm do anh Hồ Xuân Thé trú ở thôn La Ngà, xã Hồng Thuỷ làm nhóm trưởng. Nhóm này có 11 thành viên, số tiền trong bản danh sách mà anh Thé nhận là 2.759.000 đồng, các thành viên còn lại nhận 2.756.000 đồng với tổng số tiền là 30.319.000 triệu đồng. Và trên thực tế, anh Thé cho biết, nhóm anh chỉ nhận 23 triệu đồng, chia ra mỗi người được khoảng 2 triệu đồng.

Anh Thé luôn ghi lại việc nhận tiền trong sổ sách.

Nhóm của ông Hồ Văn Kiên, trú ở thôn Kê 1; ông Hồ Văn Mẫy, trú ở thôn Pi re2; ông Hồ Văn Với, trú ở thôn Pi re 3… cũng xảy ra điều tương tự. Theo đó, trong bản danh sách các nhóm đều nhận mỗi người từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng tuy nhiên trên thực tế các thành viên trong nhóm chỉ nhận thực 1 nửa số tiền này. 

Tại buổi làm việc với ông A Kơ Tiến, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, khi PV chưa đề cập đến việc có dấu hiệu "cắt xén" tiền bảo vệ rừng này, vị Chủ tịch xã khẳng định đã giao tiền đầy đủ, đến tận tay cho bà con theo quyết định phê duyệt ngân sách của UBND huyện A Lưới. Tuy nhiên, trước những thông tin, tư liệu PV phản ánh về các nhóm không nhận đủ số tiền, ông Tiến mới cho hay, sau khi nhận tiền thì các nhóm có ủng hộ mỗi nhóm 30% số tiền khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75 để cho UBND xã đối ứng trong việc xây dựng hội trường, mua sắm các trang thiệt bị...

Thế nhưng, khi PV làm việc với các nhóm trưởng, nhiều người không biết chuyện ủng hộ 30% số tiền này, ông Tiến tỏ ra bất ngờ và cho rằng đã họp các bên, đồng thời được tất cả các nhóm ký đồng ý.

Nói thêm, trong quá trình làm việc của PV với các nhóm thì số tiền mà theo ông Tiến nói "trích lại 30% ủng hộ xã", có nhóm bị trích trên 50% như nhóm: Ông Nơn, ông Núi, ông Mỡ, ông Mẫy...

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới chia sẻ, rất bất ngờ trước thông tin bà con không nhận đầy đủ số tiền bảo vệ rừng theo Nghị định 75.

"UBND huyện sẽ chỉ đạo thanh tra, Phòng Tài chính làm rõ chuyện này và sớm thông tin lại báo chí", ông Ngưm nói.

Lê Kông