Đời sống

Phá dỡ nhà cổ 300 năm, bất ngờ tìm thấy thứ trị giá hơn 1.600 tỷ đồng

Trong quá trình phá dỡ ngôi nhà cổ 300 năm tuổi, những người thợ đã bất ngờ tìm thấy báu vật hiếm có với giá trị ước tính hơn 1.650 tỷ đồng.

Vào năm 1976, tại một ngôi làng cổ ở Cao Bưu, thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) có một ngôi nhà cổ cũ kỹ với niên đại khoảng hơn 300 năm. Vì ngôi nhà đã xuống cấp khá nghiêm trọng nên chủ nhà quyết định cải tạo lại.

Vị trí báu vật được tìm thấy.

Trong khi các thợ xây đang phá dỡ những bức tường đổ nát, một người trong số họ đã vô tình tìm thấy một đồ vật kỳ lạ. Nó được bọc trong giấy đặt ở giữa vách của bức tường.

Ngay khi phát hiện ra đồ vật này, người thợ đã lập tức báo cho chủ nhà. Khi chủ nhà mở lớp giấy bọc ở bên ngoài ra, hóa ra bên trong là một bức tranh cổ. Bức tranh rất tinh xảo, có thể nhìn ra người vẽ hẳn là một danh họa.

Nghe tin về việc tìm thấy bức tranh, nhiều người dân ở gần đó cũng đổ xô tới xem. Có người cho rằng nếu như chủ nhà không rõ về nguồn gốc của bức tranh thì có thể bán cho những người am hiểu về cổ vật, chắc chắn sẽ thu lợi lớn.

Một góc của bức tranh nghìn tỷ.

Sau đó bức tranh được chủ nhà mang tới khu chợ chuyên mua bán đồ cổ nhưng cũng không ai dám trả giá vì không xác định được nguồn gốc của bức tranh. Tìm đến các chuyên gia, chủ ngôi nhà mới biết được tác giả của bức tranh này là họa sĩ Nghê Toản (1301 – 1374)– một trong những họa sĩ nổi tiếng của dòng tranh sơn thủy trong lịch sử Trung Quốc. Ông cũng được đánh giá là 1 trong 4 họa sĩ xuất sắc nhất vào thời nhà Nguyên.

Theo các chuyên gia, bức tranh có niên đại hơn 600 năm trên có giá trị ước tính 500 triệu NDT (khoảng 1.653 tỷ đồng). Tuy nhiên, do bức tranh chỉ được bảo quản bằng giấy dầu nên đã bị mờ đi phần nào.

Bức tranh hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Vô Tích.

Sau khi được các chuyên gia của Bảo tàng Cố cung phục chế cẩn thận, bức tranh nổi tiếng đã khôi phục lại được hình dáng ban đầu. Quan sát bức tranh, các chuyên gia lại càng thêm kinh ngạc về kỹ thuật vẽ tranh của họa sĩ Nghê Toản. Do quê hương của ông là Vô Tích nên bức tranh quý hiếm này đã được gửi đến Bảo tàng Vô Tích để lưu giữ và trưng bày. Bức tranh được công nhận là bảo vật hiếm có và đương nhiên nó có giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

Theo sử liệu ghi chép lại, Nghê Toản sinh ra trong một gia đình rất giàu có ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Mặc dù lớn lên trong gia đình giàu có, nhưng Nghê Toản rất chú trọng đến việc học hành và tu dưỡng bản thân. Ông là một người trầm lặng, kỹ tính và hào phóng. Người họa sĩ tài hoa này ưa lối vẽ thưa thoáng và ông thường vẽ tranh phong cảnh.

Trong những năm 1340, Nghê Toản đã từ bỏ hết của cải để đi theo Đạo gia, sống hòa hợp với thiên nhiên. Vì đi nhiều, quan sát nhiều nên các bức tranh của ông có hình ảnh núi non, sông hồ tuyệt đẹp. Chính trong thời gian này, vị họa sĩ này đã cho ra đời nhiều tác phẩm xuất sắc.

Những thay đổi và có nhiều đổi mới trong cách vẽ của Nghê Toản là điều mà những người đi trước không có. Do đó, phong cách vẽ của Nghê Toản được rất nhiều họa sĩ thời nhà Minh, nhà Thanh săn đón và bắt chước. Không ít họa sĩ đã ít nhiều chịu ảnh hưởng và được truyền cảm hứng từ Nghê Toản. Do đó, không ngạc nhiên khi ông được xếp vào hàng một trong bốn họa sĩ tài hoa nhất của nhà Nguyên. Đến năm 1371, ông trở về Vô Tích và qua đời vào năm 1374.

Họa sĩ Nghê Toản có kỹ năng sáng tạo cực cao nhưng đáng tiếc là không có nhiều tác phẩm của ông được truyền lại cho các thế hệ sau. Điều này khiến các tác phẩm của ông trở nên vô cùng quý giá và thường được bán với giá cao.

Những tác phẩm hội họa cổ của Trung Quốc từ lâu đã là một trong những tài sản có giá trị cực cao và thú vui sưu tầm tranh cũng được coi là thú vui chỉ dành cho giới siêu giàu trên thế giới.

Vào năm 2018, một bức tranh mực đen gần 1.000 năm tuổi của Tô Đông Pha, một trong những bậc thầy văn học vĩ đại nhất của Trung Quốc từng được bán với giá 59,5 triệu USD (gần 1.400 tỷ đồng).


Công ty đấu giá Christie’s đã mô tả tác phẩm nghệ thuật thời nhà Tống do Tô Đông Pha tạo ra là một trong những bức tranh Trung Quốc hiếm nhất thế giới.

Với tiêu đề “Gỗ và đá”, bức tranh này mô tả một cây cổ thụ có hình dáng tựa như rồng bay với những cành cây khô héo và một tảng đá sắc nhọn nằm ở gốc cây. Đáng nói, bức tranh này là món đồ đắt nhất của Châu Á từng được Christie’s bán đấu giá.

Theo tờ Channel News Asia, Tô Đông Pha là một trong những danh nhân văn hóa quan trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc và là một học giả, nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhà thư pháp và chính khách.


Bức tranh hiếm có này dài tới 185,5cm và được vẽ kèm với những bài thơ của 4 nhà văn đình đám của thế kỷ 11 ở Trung Quốc, cùng với các con dấu của 41 nhà sưu tập. “Những tác phẩm chính danh của Tô Đông Pha rất ít, có lẽ chỉ có hai hoặc ba tác phẩm. Chúng cực kỳ hiếm”, ông Jonathan Stone, Phó Chủ tịch bộ phận nghệ thuật châu Á của Christie’s cho biết.

Minh Hoa (t/h)