PGS.TS viết "záo zụk": Đừng biến tiếng Việt thành… ngoại ngữ!

Ngoại ngữ ở đây không phải với người nước ngoài mà với chính người Việt Nam. Chẳng phải đó là điều mà đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt thể hiện hay sao?

 Kính gửi PGS.TS. Bùi Hiền, tác giả của bộ chữ Quốc ngữ cải tiến đang gây xôn xao dư luận

Lời đầu tiên cho cháu xin được gửi lời chào trân trọng nhất đến chú; nhiều người đang chỉ trích chú có thể không biết chú là nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên phó Viện trưởng viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông còn với những sinh viên theo học ngành Ngôn ngữ như cháu thì chú chính là thần tượng, một nhà nghiên cứu tâm huyết.

Cháu là một sinh viên Ngoại ngữ, có nhiều bạn người nước ngoài và không ít trong số ấy từng nhờ cháu gia sư tiếng Việt. Phải công nhận rằng “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” khiến không chỉ những người nước ngoài mà ngay cả người Việt cũng gặp khó khăn trong việc dạy và học tiếng Việt.

Ví dụ như từ mát (maːt), một người bạn cháu từng thắc mắc: “A tờ át, mờ át mát rồi thì cần gì phải thêm sắc (dấu sắc) nữa”.

Đồng ý là bên cạnh việc “gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt”, vẫn còn nhiều bất cập cần thay đổi nhưng quan trọng là sự đổi mới đó phải đơn giản, dễ tiếp cận và hơn hết là phải có tính ưu việt trong việc ứng dụng vào thực tế hơn hiện nay.

Thế nhưng, mới đây, đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của chú trong bài viết “Chữ Quốc ngữ và hội nhập quốc tế” được giới thiệu tại Hội thảo ngôn ngữ học toàn quốc mới đây khiến không ít người ngỡ ngàng nếu không muốn nói là ngã ngửa.

Cải cách bảng chữ cái “tiếng Việt” thành “tiếq Việt”, “Luật giáo dục” thành “Luật záo zụk” của PGS.TS. Bùi Hiền. 

Chú cho rằng trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ Quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư...

Đối với cá nhân cháu mà nói, chưa tính đến hiệu quả phát âm như những gì chú phân tích, chỉ xét về khía cạnh thẩm mỹ thôi đã thấy rối mắt rồi. Nếu áp dụng đề xuất này vào thực tế, chỉ sợ tỷ lệ người mù chữ của nước ta lại tăng đột biến mà với một đứa khá chậm tiếp thu thì cháu có khả năng cao nằm trong số đó. Vì cháu, với một tinh thần cầu thị, cố đọc nửa đoạn văn đã muốn gãy lưỡi, may chưa trẹo hàm.

Theo chú, nếu dùng bản chữ mới sẽ tiết kiệm được 8% vật tư so với bản cũ. Nhưng hình như chú chưa tính được để đồng bộ hóa tất cả những thứ cũ thành mới sẽ phải tốn bao nhiêu tiền của, công sức. Mà có lẽ điều này khó có thể tính toán nổi.

Một bất cập nữa chú có nhắc đến đó là việc trẻ em hay người nước ngoài khó học tiếng Việt vì có những trường hợp không theo nguyên tắc chung nào, phức tạp. Thế nhưng cháu lại nghĩ rồi những đứa trẻ đó khi trưởng thành vẫn nói và viết được thành thạo tiếng mẹ đẻ của mình đó thôi. Bằng chứng là chẳng có người Việt nào trên 18 tuổi, không có vấn đề về nhận thức lại không biết đọc, biết viết tiếng Việt (trừ khi không được dạy và học).

Còn việc học ngoại ngữ với người nước nào cũng sẽ có những khó khăn riêng. Đơn cử như trong tiếng Anh có hẳn một bảng động từ bất quy tắc buộc phải học thuộc lòng đó thôi. Chưa kể tiếng Nhật, Hàn, Nga... cũng có vô vàn sự phức tạp riêng. Nhưng cũng chẳng thiếu người nước ngoài nói tiếng Việt làu làu. Vậy lỗi do đâu?

Thậm chí, ví dụ của chú về những chữ viết khi được cải tiến lại bị cho rằng “bắt chước” kiểu ký tự teen code của một bộ phận người trẻ hiện nay, thậm chí còn khó hiểu hơn.

Những lời lẽ chỉ trích nặng nề dành cho chú như “ăn no dửng mỡ”, tiến sĩ giấy, điên, ... có lẽ hơi nặng lời. Bởi một vấn đề mà chú đã bỏ ra hơn 30 năm để nghiên cứu mà giờ mới chỉ được một nửa đề án (như thông tin trao đổi với báo chí) thì cũng không phải là ý tưởng một sớm một chiều. Nó chứa đựng biết bao mồ hôi công sức, tâm huyết của chú.

Chú nghĩ mọi người “sốc” là điều dễ hiểu bởi báo chí đưa một bản nghiên cứu chưa hoàn thiện ra trước công luận nên khiến hầu hết mọi người không hiểu được rõ ràng, gây nên phản ứng tiêu cực.

Tất nhiên, với những cái gì quá mới mẻ, tâm lý con người thường có phản ứng bất ngờ, ngại thay đổi, phản đối kịch liệt. Nhưng biết đâu đề xuất này có tầm nhìn xa cỡ 50 – 100 năm thì sao.

Thế nhưng nếu như thế thật thì chắc phải chờ từng ấy thời gian, chờ đợi 9.000 tiến sĩ được đào tạo thành công để biến những “phát kiến” này thành hiện thực. Hãy để thế hệ con cháu chúng ta trả lời chứ hiện tại, tiếng Việt vốn đã khó học rồi, đừng biến nó thành... ngoại ngữ với chính người bản địa, chú ạ!

Chúc chú sớm hoàn thành nghiên cứu của mình để đề xuất sẽ thành công rực rỡ!

Ký tên

Một người hâm mộ