Sự kiện

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đưa ra 3 nguyên tắc chống dịch

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đưa ra 3 nguyên tắc chống dịch Covid-19, trong đó đặc biệt là nguyên tắc giảm tỉ lệ tử vong cao.

Phát biểu tại phiên thảo luận chiều ngày 25/7 tại nghị trường Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định), Giám đốc bệnh viện đại học Y Hà Nội cho rằng trong đợt dịch bùng phát này, chúng ta không thể lấy ca nhiễm từng tỉnh để coi là tiêu chí thành công.

“Với chủng Delta này chúng ta không thể lường trước được, có khi sau buổi sáng thức dậy, thì dịch đã bùng mất rồi. Do đó, tiêu chí để chống dịch tốt là cần có kịch bản cho việc tránh bùng phát dịch. Đó là, cần tuân thủ nguyên tắc chung của cả nước trong công tác phòng chống dịch”, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

Bày tỏ quan điểm của mình, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho biết chống dịch cần dựa 3 nguyên tắc: Chống lây lan tối đa; giảm tỉ lệ tử vong tối đa ít nhất thấp hơn hoặc bằng các nước xung quanh chúng ta; bảo đảm phát triển kinh tế.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh vào nguyên tắc thứ 2 là giảm tỉ lệ tử vong cao. Chúng ta cần chia công tác phòng chống dịch thành 3 tầng như bộ Y tế đã hướng dẫn rất cụ thể. Tầng thứ nhất là các bệnh viện dã chiến đã làm từ đầu mùa dịch chăm sóc các bệnh nhân F0, người nhiễm F0 (những người không có triệu chứng), không thể bỏ qua những trường hợp này để hỗ trợ bệnh nhân thực sự. Chính vì vậy, việc thực hiện cách ly bệnh nhân F0 cần nghiêm túc, chặt chẽ, bảo đảm sinh hoạt.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho hay chống dịch cần dựa 3 nguyên tắc.

“Muốn được như vậy, những địa phương bùng dịch có thể áp dụng việc cách ly F0 tại nhà và theo dõi tình hình sức khỏe bằng ứng dụng từ xa", đại biểu Hiếu cho biết.

Theo ông Lân Hiếu, những người nhiễm không triệu chứng, có nghĩa là đủ điều kiện cách ly, hưởng gói chăm sóc như nhân viên y tế sẽ gọi điện 2 ngày 1 lần, sử dụng app (ứng dụng-PV) chuyên dụng để tự nhân biết các dấu hiệu nguy hiểm, video call cho các bác sĩ từ xa, chủ chốt điều trị Covid-19 tại nhà cần được đánh số và sử dụng hướng dẫn của các nhà chuyên môn.

Khi bệnh trở nặng phát hiện bằng các phương pháp, phương tiện từ xa bằng oxy cầm tay, máy đo huyết áp, có xe đón đưa bệnh nhân nhập viện.

Tầng thứ 2 là tầng chúng ta triển khai rộng rãi nhiều năm nay, đó là các bệnh viện, trung tâm y tế,… điều trị các bệnh nhân vừa, chưa cần thở máy hay lọc máu. Tuyến này quan trọng nhất là nhân viên y tế nắm chắc các khuyến cáo, hướng dẫn mà bộ Y tế thường xuyên cập nhật. Cùng đánh giá mức độ bệnh chính xác để không chuyển tuyến bệnh nhân quá sớm hay quá muộn. Ngoài trang bị kiến thức theo ông Lân Hiếu, cần khẩn trương bổ sung cho tầng này máy oxy dòng cao, thuốc trong danh mục điều trị Covid-19, nguồn lực từ ngân sách hoặc từ các nhà hảo tâm.

Bên cạnh đó, vị đại biểu này cũng chia sẻ thêm: “Tầng thứ 3 là tầng quan trọng nhất, đây là các trung tâm điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, cần khẩn trương hình thành các trung tâm này, chỉ nhận và điều trị cho các bệnh nhân cần thở máy, lọc máu hoặc điều trị ECMO (tim phổi nhân tạo), nguồn lực cả trung ương và địa phương cần tập trung để làm sao cho số giường ICU không thấp hơn 5% tổng số ca nhiễm ước tính. Ví dụ ước tính 100 nghìn bệnh nhân Covid-19 thì phải chuẩn bị 5000 giường ICU chỉ dành điều trị cho bệnh nhân Covid-19”.

Hoàng Bích