Văn hoá

PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Giữ gìn nét đẹp văn hóa lì xì ngày Tết

Lì xì là những phong bao màu đỏ bên trong chứa tiền mới, gọi là tiền may mắn. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết.

Phong bao mừng tuổi còn tượng trưng cho tài lộc, nhiều người nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc...

Sáng mùng Một là thời điểm thích hợp nhất để mừng tuổi. Tất cả con cháu trong gia đình tụ hợp lại để chúc thọ ông bà, cha mẹ. Ý nghĩa chính không nằm ở "tiền" mà quan trọng là ở thông điệp, con cháu chúc ông bà bách niên giai lão, ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra, trẻ em thì hay ăn chóng lớn… Vì thế, tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ nhưng gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn.

Các em nhỏ rạng rỡ cầm trên tay những phong bao lì xì đỏ.

Lì xì là một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam ta. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, đã có không ít tiêu cực lợi dùng nét đẹp văn hóa lì xì để thực hiện mục đích cá nhân khiến nét đẹp truyền thống đó đang mất dần đi giá trị thực của nó.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Ngọc Trung – Giảng viên cao cấp học viện Báo chí Tuyên truyền để lắng nghe những phân tích, chia sẻ của ông về văn hóa lì xì vào mỗi dịp Tết đến xuân về.

Ông Phạm Ngọc Trung cho biết: “Theo phong tục của dân tộc Việt, bước sang năm mới, mỗi người thêm một tuổi, nếu được mừng tuổi thì đó là điều may mắn và năm đó sẽ có được sức khỏe tốt, học tập đạt kết quả cao, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu,... Mọi người đều rất hy vọng vào ngày mùng Một sẽ nhận được những phong bao lì xì đỏ để đón nhận những may mắn.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung – Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí Tuyên truyền lo ngại về việc nhiều người dân lợi dụng tục lì xì ngày Tết để thực hiện mục đích cá nhân.

Thời gian gần đây, do xã hội thay đổi nên phong tục này cũng bị thay đổi theo. Ngày xưa là mừng tuổi, lì xì thực sự để chúc mừng nhau, cầu mong may mắn và có thêm lộc vào đầu năm mới, nếu có lộc năm mới thì cả năm đó sẽ có lộc. Ngày nay, xã hội đã xuất hiện những tiêu cực, một bộ phận cán bộ nhân dân lợi dụng vào nét văn hóa truyền thống để đút lót, hối lộ, mua chức, mua quyền,... Theo phong tục lì xì của dân tộc ta, số tiền lì xì chỉ cần một vài nghìn lẻ nhưng hiện tại, nhiều phong bao lì xì có giá trị lên đến hàng nghìn đô, hàng chục nghìn đô hay nhiều hơn nữa khiến nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc bị phai mờ”.

Để giữ gìn nét đẹp văn hóa lì xì, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nhận định: “Theo quan điểm của tôi, để giữ vững nét đẹp văn hóa lì xì ngày Tết thì mỗi người phải hiểu được nguồn gốc, bản chất của vấn đề từ đó thực hiện sao cho đúng. Trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, theo những nghị quyết của Đảng về chống tiêu cực, chống tham nhũng thì mỗi người dân phải tuân thủ chấp hành và dạy dỗ cho con cái mình, không nên lợi dụng những dịp đầu xuân năm mới để thực hiện lợi ích cá nhân làm xấu đi phong tục tập quán của dân tộc”.

Chiếc phong bao lì xì là chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Nó chứa rất nhiều thông điệp, nhắn nhủ của người lớn với trẻ em. Ai mừng tuổi mà không căn dặn, chúc tụng vài câu. Hãy cùng nhau giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống đó góp phần khiến ngày Tết trở về đúng với giá trị đích thực của nó.

Nguyễn Lâm