Dân sinh

PGS.TS Đinh Hồng Hải: “Bất chấp giá trị chân-thiện-mỹ để trục lợi là tự “đào thải” mình ra khỏi xã hội”

Liên quan đến câu chuyện nhiều kênh Youtube hiện nay truyền tải nội dung “độc hại” gây bức xúc dư luận, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Hồng Hải (giảng viên bộ môn Nhân học Văn hóa, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này.

Thời gian qua, xuất hiện nhiều kênh Youtube có nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí còn xuyên tạc, làm lệch lạc giá trị văn hóa, trái thuần phong mỹ tục gây bức xúc dư luận. Ông nhìn nhận thế nào về câu chuyện này?

Truyền thông mạng xã hội nói chung, và các kênh Youtube nói riêng đều có tính hai mặt. Tất cả những gì thuộc về giá trị chân-thiện-mỹ cần có sự cảm nhận sâu sắc và tri thức của người xem. Trong khi, nội dung câu view “rẻ tiền” lại xuất hiện ngày càng nhiều và dễ dàng được số đông công chúng chấp nhận, bởi đó là những thứ giản tiện, dễ hiểu hoặc gây tò mò.

Tất nhiên, việc lựa chọn, tiếp nhận những giá trị đích thực của thông tin còn tùy thuộc vào khả năng tiếp nhận của mỗi người. Vì vậy, chúng ta cần phân biệt đâu là các giá trị chân-thiện-mỹ và mặt trái của nó. 

Liên tục xuất hiện những kênh Youtube có nội dung phản cảm gây bức xúc dư luận. 

Phải chăng, thị hiếu của khán giả giờ đây quá dễ dãi đã “vẽ đường” giúp các kênh Youtube “bẩn” này có thêm “đất diễn”?

Để hiểu được một tác phẩm văn học hay giá trị văn hóa, chúng ta cần có tri thức và thời gian tìm hiểu, thì mới cảm nhận được nó hay, sâu sắc thế nào. Sản phẩm càng hay và sâu sắc bao nhiêu, càng cần đầu tư thời gian. Trong khi những sản phẩm “rẻ tiền” lại dễ dàng được tiếp nhận vì sự giản tiện của chúng. 

Thực tế, các trang mạng xã hội như Youtube đều có bộ lọc thông tin. Nhưng, lượng thông tin hiện nay rất “khủng”, nên không một phần mềm nào có thể lọc hết được. Thế nên, để “loại thải” những dạng thông tin “độc hại” này, tự bản thân người xem phải có cách để sàng lọc thông tin cho mình khi hàng ngày phải tiếp nhận một lượng thông tin khổng lồ. 

Mặc dù bị phản đối kịch liệt, nhưng các kênh Youtube “bẩn” này vẫn “sống khỏe” và ngày càng biến tướng. Theo ông, đâu là lý do dẫn đến tình trạng này?

Thực ra, việc cố gắng làm ra những kênh Youtube với mong muốn kiếm được nhiều like, nhiều view,... là nhu cầu rất bình thường của xã hội. Bên cạnh việc truyền tải thông tin, mục tiêu cuối cùng mà họ hướng đến còn là kiếm tiền.

 Tuy nhiên, việc sản xuất nội dung như thế nào còn tùy thuộc vào ý thức, đạo đức và góc nhìn văn hóa của mỗi người. Và, mặt trái của câu chuyện này chính là vấn đề cần được quan tâm. Khi người ta bất chấp tất cả các giá trị chân-thiện-mỹ của văn hóa và đạo đức để có nhiều like, nhiều view nhất có thể thì chuyện sẽ bị lái theo một hướng hoàn toàn khác…

Trong khi những kênh Youtube truyền tải thông điệp nhân văn, tử tế sở hữu số lượt xem khá hạn chế, thì những kênh Youtube có nội dung nhảm nhí, ảnh hưởng xấu đến xã hội lại “gây bão” với lượt thích và chia sẻ “khủng”. Anh nói gì về nghịch lý này?

Chúng ta không thể ngăn cấm khán giả xem các kênh Youtube. Không hiếm những chương trình hay-tốt-đẹp-nhân văn, nhưng với nhiều người “chỉ cần xem một lần là đủ”, và họ muốn tìm đến sự khác lạ, mới mẻ, thậm chí là “dị”. Đến một lúc họ cảm thấy chán hoặc ghê rợn hay nhận thức được những nội dung đó độc hại, thì tự nhiên họ sẽ từ bỏ.

 Vì vậy, việc tiếp nhận mặt phải hay mặt trái của thông tin đối với xã hội cần có thời gian. Điều này còn phụ thuộc vào định hướng của cơ quan quản lý và ý thức của người sử dụng mạng xã hội.

PGS.TS Đinh Hồng Hải.

Bất chấp kiếm tiền chẳng màng đến hậu quả, đó là sự lựa chọn của không ít người sử dụng mạng hiện nay. Theo anh, cái “kết đắng” cho hành vi kiếm tiền “chụp giật” này?

Thực ra, hành vi này chẳng khác gì “con dao hai lưỡi”. Rất khó ngăn cấm một ai đó sử dụng mạng xã hội để kiếm tiền, câu view, câu like. Không có gì là hoàn hảo, và chúng ta sẽ phải chấp nhận thực trạng này như một mặt trái của xã hội. Mọi thứ sẽ được điều chỉnh dần bằng luật pháp hoặc các chương trình tuyên truyền giáo dục. 

Nếu muốn gửi đến người dùng internet một thông điệp giáo dục thì quy luật nhân quả là điều cần được truyền tải sâu rộng đến cộng đồng nhất. Nhiều người bất chấp pháp luật làm việc xấu, và trốn tránh được các cơ quan hành pháp, nhưng cuối cùng chính họ vẫn phải lãnh hậu quả. Việc kiếm tiền bằng mọi giá sẽ dẫn đến những hệ lụy cho bản thân họ cũng như người thân của họ. 

Nếu như một người có đạo đức, tri thức, họ sẽ luôn nghĩ đến nhân quả. Chúng ta làm việc lương thiện, hướng đến giá trị chân-thiện-mỹ, đó chính là mục đích sống của mỗi con người và cũng lý tưởng sống của cả nhân loại. Nếu ai nằm ngoài dòng chảy đó, thì đang tự “đào thải” mình thôi.

Cảm ơn chia sẻ của anh!