Thế giới

Panama - "thiên đường thuế" lý tưởng cho giới siêu giàu?

Panama một lần nữa trở thành một địa điểm đáng chú ý sau khi Hồ sơ Pandora cáo buộc công ty luật Alcogal tại nước này che giấu tài sản của nhiều chính khách.

Trong Hồ sơ Pandora vừa được hé lộ vừa qua về khối tài sản khổng lồ được giấu ở nước ngoài của nhiều chính khách, quan chức và tỷ phú, cái tên Alcogal hiện lên khá nổi bật về lượng tài liệu và số chính khách mà công ty này cung cấp dịch vụ - 2.185.783 bản ghi và 161/334 chính khách có tên trong hồ sơ. 

Alcogal, hay còn được gọi với tên đầy đủ Alemán, Cordero, Galindo & Lee, là công ty luật có trụ sở tại Panama - một trong số những quốc gia thường xuyên được sử dụng để né thuế nhờ các "công ty ma". Công ty luật này đã trở thành một trong những tâm điểm của Hồ sơ Pandora, giống như Mossack Fonseca trong Hồ sơ Panama trước đó vào năm 2017.

Vậy yếu tố nào đã dẫn đến việc Panama trở thành địa điểm hấp dẫn cho tài sản cần né thuế đến vậy, và Alcogal đóng vai trò thế nào trong đó?  

“Thiên đường thuế” Panama

Khái niệm “thiên đường thuế” thường được hiểu theo nhiều nghĩa trong các ngữ cảnh nhất định do mức độ phức tạp của vấn đề tài chính toàn cầu, nhưng theo “định nghĩa truyền thống” có nghĩa là một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có mức thuế thực tế thấp hoặc bằng không, che giấu kỹ càng thông tin về các cá nhân là chủ hoặc người nước ngoài tham gia các thực thể tài chính tại đây, và có mức độ thiếu minh bạch nhất định.

Những điều này sẽ lôi kéo các cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài sử dụng dịch vụ hoặc "công ty ma"/quỹ tín thác nhằm đưa tài sản của mình tới “thiên đường thuế”, qua đó tránh được nhiều khoản thuế tại quốc gia gốc.

Với hậu quả là một lượng lớn tài sản chịu thuế biến mất, các “thiên đường thuế” trở thành vấn đề nhức nhối đối với chính quyền và người dân nhiều quốc gia, đặc biệt là khi một số chính khách dùng chúng để tẩu tán tài sản tham nhũng hoặc thiếu minh bạch.

Panama bắt đầu trở thành một nơi như vậy từ đầu thế kỷ 20, khi nước này cho phép tàu thuyền nước ngoài đăng ký hoạt động nhằm tránh nghĩa vụ thuế và các quy định khác. Dần dần, luật pháp Panama cho phép người nước ngoài lập doanh nghiệp ngoại biên và không phải nộp thuế, miễn là chỉ hoạt động ngoài Panama. 

Vào những năm 1970 và 1980, Panama trở thành một trung tâm cung cấp nhiều dịch vụ tài chính ngoại biên, bao gồm lập công ty và các loại quỹ cùng dịch vụ ngân hàng ngoại biên, theo Investopedia. Luật về bảo mật thông tin tài chính và doanh nghiệp nước ngoài cũng tạo điều kiện cho quốc gia này trở thành nơi che giấu tài sản - danh sách các cổ đông của công ty và quỹ đặt tại Panama không cần được đăng ký công khai, và quy định về bảo mật thông tin chủ tài khoản nước ngoài rất chặt chẽ. 

Những hé lộ trước đó

Jürgen Mossack (trái) và Ramón Fonseca (phải), 2 nhà sáng lập công ty luật Mossack Fonseca. Ảnh: ICIJ

Vào tháng 4/2016, Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã công bố Hồ sơ Panama - 11,5 triệu tài liệu rò rỉ từ công ty luật có trụ sở tại Panama Mossack Fonseca. Hồ sơ Panama bao gồm thông tin về hơn 214.000 công ty ngoại biên có liên quan đến các cá nhân từ hơn 200 quốc gia. Nhiều người trong số đó là các chính khác, quan chức, và thậm chí là nguyên thủ quốc gia - như Thủ tướng Iceland và Thủ tướng Pakistan.

Dù việc lập công ty và quỹ tín thác ngoại biên không bị cấm, một số công ty có liên quan đến Mossack Fonseca đã bị phát hiện được dùng để lừa đảo, rửa tiền, trốn thuế cùng một số hoạt động tội phạm khác. Điều này đã dẫn đến việc Mossack Fonseca phải đóng cửa năm 2018, cùng với đó là 2 nhà sáng lập Jürgen Mossack và Ramón Fonseca bị điều tra và cáo buộc tội trốn thuế và rửa tiền.

Chính quyền Panama cũng đã có động thái phản ứng với Hồ sơ Panama ngoài việc điều tra các đối tượng nghi vấn được hé lộ. Một số quan chức cho rằng đây là hành động tấn công vào hệ thống dịch vụ tài chính hợp pháp của Panama và làm tổn hại đến hình ảnh đất nước. 

Hồ sơ Pandora và Alcogal 

Khi Hồ sơ Pandora được công khai gần đây, Alcogal trở nên nổi bật vì số lượng bản ghi liên quan và số các chính khách sử dụng dịch vụ của công ty này. 

Theo ICIJ, Alcogal đã cung cấp dịch vụ của mình cho các nhân vật liên quan đến bê bối tham nhũng của tập đoàn Odebrecht tại Brazil, vụ bê bối tham nhũng FIFA năm 2015, và quá trình biển thủ tài sản công tại Venezuela. 

Hãng luật Alcogal là một trong những công ty nằm ở tâm điểm Hồ sơ Pandora.

Cụ thể hơn, Alcogal bị cáo buộc đã giúp lập 2 công ty ma Odebrecht sử dụng để đưa 30 triệu USD tiền hối lộ với mục đích thắng thầu các dự án công tại Panama. Alcogal cũng là đơn vị đăng ký Firelli International Limited - một cổ đông lớn của công ty này là cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Brazil đã bị bắt vào năm 2015 do liên quan đến bê bối tham nhũng FIFA.

Alcogal cũng từng thành lập hơn 200 công ty ma do yêu cầu của ngân hàng Banca Privada d'Andorra, các công ty này sau đó được sử dụng bởi một số quan chức Venezuela nhằm biển thủ tài sản công và rửa tiền. Alcogal cắt đứt quan hệ với các công ty này sau khi Banca Privada d'Andorra bị giới chức Mỹ cho vào danh sách đen do lo ngại về rửa tiền năm 2015. 

Phản ứng lại các cáo buộc dựa trên Hồ sơ Pandora, Alcogal nói rằng công ty này luôn tuân thủ pháp luật ở các quốc gia đang hoạt động, đồng thời thực hiện các hành động vào báo cáo đầy đủ khi phát hiện khách hàng mang rủi ro cao, cho dù bản chất mối quan hệ hay dịch vụ như thế nào đi nữa.