Thế giới

Ông Zelenskyy sẽ gia hạn thiết quân luật đến sát Quốc khánh Ukraine

Các chuyên gia coi khoảng thời gian dự kiến thiết quân luật được áp dụng là một chỉ báo tốt cho thấy Chính phủ Ukraine dự kiến giao tranh sẽ kéo dài trong bao lâu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, trong bài phát biểu video hàng đêm của mình hôm 18/5, đã nói với công chúng Ukraine về một cuộc chiến lâu dài ở đất nước của họ.

Ông nói với người dân Ukraine, "Kherson, Melitopol, Berdyansk, Enerhodar, Mariupol và tất cả các thành phố và thị trấn đang bị tạm chiếm đều sẽ được giành lại".

Tuy nhiên, ông cho biết, việc cuộc chiến kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc vào điều kiện chiến trường.

“Chúng tôi đang cố gắng thực hiện điều này càng sớm càng tốt. Chúng tôi cam kết đánh đuổi hết kẻ thù và đảm bảo an ninh thực sự cho Ukraine”, ông Zelenskyy tuyên bố.

Để tiếp tục chống lại sự gây hấn của Nga, Tổng thống Zelenskyy đang có kế hoạch gia hạn lệnh thiết quân luật và lệnh cưỡng bách tòng quân ở Ukraine thêm 3 tháng nữa, theo các đề xuất được công bố hôm 18/5.

Quốc hội Ukraine được cho là chắn chắn sẽ ủng hộ các biện pháp. Vì vậy tình trạng thiết quân luật dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra ở Ukraine cho đến ngày 23/8, một ngày trước ngày Quốc khánh Ukraine (28/4/1991-28/4/2022).

Ông Zelenskyy lần đầu tiên áp đặt lệnh thiết quân luật vào ngày 24/2, chỉ vài giờ sau khi xe tăng Nga tràn qua biên giới Ukraine. Kể từ đó, ông đã gia hạn thiết quân luật 2 lần, mỗi lần thêm 30 ngày.

Các chuyên gia coi khoảng thời gian dự kiến thiết quân luật được áp dụng là một chỉ báo tốt cho thấy Chính phủ Ukraine dự kiến giao tranh sẽ kéo dài trong bao lâu.

Các quân nhân Ukraine bên những mảnh vỡ của một chiếc máy bay bị bắn rơi ở Thủ đô Kyiv, ngày 25/2/2022, một ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ảnh: The Hill

Nga đang triển khai vũ khí laser ở Ukraine

Nga tuyên bố đang sử dụng vũ khí laser cực mạnh thế hệ mới ở Ukraine để thiêu rụi các máy bay không người lái (UAV).

Có rất ít chi tiết cụ thể về loại vũ khí laser mới này. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nga phụ trách phát triển quân sự, Yury Borisov, phát biểu tại một hội nghị ở Moscow rằng, một nguyên mẫu vũ khí có tên Peresvet đã được triển khai rộng rãi và nó có thể làm mù các vệ tinh đang bay ở độ cao 1.500 km so với bề mặt Trái đất.

Ông Borisov cho biết thêm rằng đã có nhiều hệ thống vũ khí mạnh mẽ hơn Peresvet. “Nếu Peresvet có thể làm mù các UAV, thì thế hệ vũ khí laser mới có thể phá hủy mục tiêu bằng cách thiêu rụi chúng”, ông Borisov nói với truyền hình Nga.

Khi được hỏi liệu những vũ khí như vậy có đang được sử dụng ở Ukraine hay không, vị quan chức Nga đáp: “Có chứ! Các nguyên mẫu đầu tiên đã được sử dụng ở đó".

Loại vũ khí này được gọi là "Zadira", Phó Thủ tướng Nga cho biết. "Zadira" trong tiếng Nga có nghĩa là “kẻ gây rối”.

Ông Yury Borisov, Phó Thủ tướng phụ trách phát triển quân sự của Nga. Ảnh: TASS

Bình luận về loại vũ khí mới nói trên của Nga, Tổng thống Zelenskyy trong bài phát biểu video đêm hôm 18/5 cho rằng khi Nga càng không có cơ hội chiến thắng trong cuộc xung đột, thì họ càng tăng cường tuyên truyền về một loại vũ khí tuyệt vời có thể đảm bảo một bước ngoặt.

“Chúng ta thấy rằng trong tháng thứ ba của một cuộc chiến toàn diện, Nga đang cố gắng tìm kiếm loại vũ khí kỳ diệu của mình… tất cả điều này cho thấy rõ ràng sự thất bại hoàn toàn của họ”, ông Zelenskyy nói.

Mỹ mở lại đại sứ quán ở Kyiv

Quốc kỳ Mỹ hôm 18/5 đã được nhìn thấy tung bay trên nóc Đại sứ quán nước này tại Thủ đô Kyiv của Ukraine.

Hồi tháng 2, Đại sứ quán bị đóng cửa, và các nhân viên ngoại giao phải "tạm thời di dời" đến thành phố Lviv ở miền Tây Ukraine.

"Người dân Ukraine, với sự hỗ trợ an ninh của chúng tôi, đã bảo vệ quê hương của họ trước sự gây hấn của Nga, và kết quả là, Quốc kỳ Mỹ một lần nữa đang tung bay trên nóc Đại sứ quán ở Ukraine", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố.

Nhiều quốc gia phương Tây, bao gồm Đức, Pháp và Vương quốc Anh đã mở lại Đại sứ quán của họ ở Kyiv trong tháng qua, sau khi Quân đội Nga rút khỏi thành phố để dồn lực cho một cuộc tấn công ở miền Đông Ukraine.

Séc gửi xe tăng từ thời Liên Xô cho Ukraine để nhận lại xe tăng Đức

Đức sẽ tặng 15 xe tăng cho các lực lượng vũ trang của Séc. Đây là một phần của chương trình của Berlin nhằm giúp các nước chuyển giao vũ khí Liên Xô của họ cho Ukraine.

"Cuộc trao đổi là một ví dụ điển hình khác về cách chúng tôi đang giúp Ukraine trong cuộc chiến dũng cảm chống lại sự gây hấn của Nga", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Séc Jana Cernochova cho biết, động thái này cho thấy Đức đánh giá cao sự giúp đỡ quân sự của Cộng hòa Séc đối với Ukraine.

Séc đã chuyển giao cho Ukraine những vũ khí hạng nặng từ thời Liên Xô trị giá ít nhất là 130 triệu USD (124 triệu Euro). Praha không tiết lộ chính xác về loại vũ khí đã chuyển giao, nhưng truyền thông địa phương cho biết họ đã gửi xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất và các công nghệ hạng nặng khác tới Ukraine.

Cộng hòa Séc cũng đã ngỏ ý với Đức về việc mua thêm 50 xe tăng Leopard A7+ mới.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A7+ do Krauss-Maffei Wegmann (KMW), Đức, thiết kế và phát triển. Ảnh: Army Technology

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO

Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (NAC), Cơ quan Điều hành của NATO, không thể khởi động quá trình đàm phán gia nhập cho 2 ứng cử viên Bắc Âu như kế hoạch do vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, phóng viên Teri Schultz của DW hiện đang nhận nhiệm vụ ở Stockholm (Thụy Điển), dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết.

Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự trước đó vào ngày 1/5.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng cả Thụy Điển và Phần Lan đã cung cấp nơi ẩn náu cho các nhóm người Kurd mà họ gán cho là "những kẻ khủng bố", và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara sẽ không chấp thuận để NATO kết nạp 2 ứng cử viên này.

Ông Erdogan đã nhắc lại ý kiến phản đối của mình vào hôm 18/5, trong một bài phát biểu trước các nhà lập pháp thuộc đảng của mình. Ông tuyên bố: "Chúng ta không thể nói đồng ý" với đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển cho đến khi họ dẫn độ "những kẻ khủng bố" cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, đã có thêm một nước NATO nữa tỏ ý muốn chặn Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh.

Tổng thống Croatia Zoran Milanovic đang tranh cãi gay gắt với Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic về một số vấn đề, bao gồm cả việc có ủng hộ đơn xin gia nhập NATO mà Thụy Điển và Phần Lan đã đệ trình hay không.

Trước khi Quốc hội Croatia phê chuẩn tư cách thành viên NATO cho hai quốc gia Bắc Âu, Tổng thống Milanovic muốn một sự thay đổi trong luật bầu cử của nước láng giềng Bosnia-Herzegovina để cộng đồng người Croatia ở đây có thể bầu ra đại diện của chính họ.

Người Croatia chủ yếu sinh sống ở Croatia và Bosnia-Herzegovina, và cũng được công nhận là cộng đồng thiểu số ở Áo, Cộng hòa Séc, Hungary, Ý, Montenegro, Romania, Serbia, và Slovakia.

Quang cảnh một con phố ở Mariupol, nơi quân Nga đang kiểm soát, với hậu cảnh là nhà máy thép Azovstal, ngày 17/5/2022. Ảnh: Al Jazeera

Minh Đức (DW, ANews, Al Jazeera)