Thế giới

Ông Trump chúc mừng ông Erdogan tái đắc cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã hoàn thành một kỳ tích chưa từng có tiền lệ và nhận được lời chúc mừng từ nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới.

Hòa cùng các lãnh đạo thế giới, cựu Tổng thống Mỹ và ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, Donald Trump, hôm 28/5 đã chúc mừng ông Recep Tayyip Erdoğan chiến thắng trong vòng nước rút bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan, người nắm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2002, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng hai trước ứng cử viên đối lập Kemal Kilicdaroglu, với 52,1% số phiếu. Ông Kilicdaroglu chỉ trích rằng đây là “cuộc bầu cử không công bằng nhất trong nhiều năm” nhưng không theo đuổi việc thách thức kết quả trên.

“Người bạn thân thiết”

Ông Trump đã ca ngợi kết quả bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ trên nền tảng mạng xã hội Truth của mình. Ông viết: “Xin chúc mừng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan về chiến thắng to lớn và xứng đáng của ông ấy ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi biết rõ về ông ấy, ông ấy là một người bạn. Và tôi biết rõ ông ấy yêu đất nước của mình và người dân Thổ Nhĩ Kỳ vĩ đại đến mức nào…”

Ông Donald Trump và ông Recep Tayyip Erdogan tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Watford, Anh, ngày 4/12/2019. Ảnh: Getty Images

Mối quan hệ giữa ông Trump và ông Erdogan lúc nóng lúc lạnh trong những năm qua. Chỉ một tháng sau khi ông Trump khi đó là Tổng thống Mỹ đe dọa “hủy diệt và xóa sổ hoàn toàn” nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11/2019, Reuters đã gọi mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo là “tình anh em”.

Nhiều năm trước đó, vào năm 2012, ông Trump đã tham dự lễ khai trương Tòa tháp Trump mới của mình ở Istanbul, nơi ông gọi ông Erdogan là người “rất được kính trọng” trên toàn thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng chúc mừng “người bạn thân thiết” Erdogan. Điện Kremlin dẫn lời nhà lãnh đạo Nga cho biết: “Chiến thắng trong cuộc bầu cử là kết quả tự nhiên của công việc quên mình của ông Erdogan với tư cách là người đứng đầu Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, bằng chứng rõ ràng về sự ủng hộ của người dân Thổ Nhĩ Kỳ đối với những nỗ lực của ông Erdogan nhằm củng cố chủ quyền đất nước và thực hiện một chính sách đối ngoại độc lập”.

Điện Kremlin cũng cho biết ông Putin đã nói với ông Erodgan: “Chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp cá nhân của ông trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và hợp tác cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Điện Kremlin, Moscow, ngày 23/1/2019. Ảnh: Getty Images

Về phần mình, khi phát biểu trước công chúng từ khuôn viên Dinh Tổng thống ở Ankara, ông Erdogan cho biết trong thông điệp chúc mừng gửi cho ông, ông Putin đã nhắc lại việc lập trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ để trung chuyển khí đốt Nga sang châu Âu.

“Chúng tôi sẽ củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là một trung tâm quốc tế hơn nữa. Chúng tôi sẽ làm điều đó cùng với Nga. Sẽ có trung tâm ở Thrace, Tây Bắc đất nước”, ông Erdogan cho biết.

Quan hệ căng thẳng

Tổng thống Erdogan đã hoàn thành một kỳ tích chưa từng có tiền lệ sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng hai, theo đó nối dài thời gian cầm quyền của mình sang thập kỷ thứ ba.

Dưới sự lãnh đạo của vị chính trị gia kỳ cựu, quốc gia liên lục địa Á-Âu có mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Mỹ, EU và NATO. Trong những năm qua, ông Erdogan ngày càng áp dụng chính sách đối ngoại quyết đoán hơn nhằm tăng cường ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực và xa hơn.

Căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-NATO gia tăng khi một số chính sách quốc tế của Ankara xung đột với lợi ích của liên minh, được minh chứng bằng việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel, và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại trụ sở EU ở Brussels, Bỉ, ngày 9/3/2020. Ảnh: Euractiv

Việc Ankara mua S-400 của Nga là nguồn gây tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và NATO trong nhiều năm, khi liên minh quân sự viện dẫn những lo ngại rằng nó sẽ ảnh hưởng đến an ninh và khả năng tương tác trong các hoạt động quân sự của NATO. Mỹ và NATO đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng hệ thống S-400 không tương thích với các hệ thống phòng thủ của NATO và có thể tiết lộ thông tin nhạy cảm cho Nga.

Do Thổ Nhĩ Kỳ từ chối rút lui khỏi thỏa thuận, Mỹ đã thực hiện một số biện pháp trừng phạt, bao gồm việc loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 vào năm 2019, và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và tổ chức Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc mua S- 400.

EU và NATO cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về các chính sách đối nội của ông Erdogan, coi một số hành động của chính quyền ở Ankara là khác biệt với các giá trị chung của NATO và EU.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/6/2022. Ảnh: Daily Sabah

Tuy nhiên, sau chiến thắng bầu cử của ông Erdogan, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thư ký NATO và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đều nhanh chóng gửi thông điệp chúc mừng.

Ông Biden viết trên Twitter: “Chúc mừng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ tái đắc cử. Tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với tư cách là Đồng minh NATO trong các vấn đề song phương và những thách thức toàn cầu chung”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng sử dụng Twitter để gửi lời chúc mừng. Ông viết: “Chúc mừng Tổng thống Erdogan tái đắc cử. Tôi mong muốn được tiếp tục làm việc cùng nhau và chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới”.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết: “Tôi chúc mừng ông Erdogan đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Tôi mong muốn tiếp tục xây dựng mối quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ. Nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ này có ý nghĩa quan trọng chiến lược đối với cả EU và Thổ Nhĩ Kỳ, vì lợi ích của người dân chúng ta”.

Minh Đức (Theo The Messenger, Media ITE, Al-Arabiya)