Thế giới

Ông Tập Cận Bình sẵn sàng điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng kêu gọi tránh thực hiện các hành động có thể khiến xung đột Nga-Ukraine ngày càng xấu đi hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 6/4 đã kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “khiến Nga tỉnh táo lại”.

Ông Tập, người đang muốn Trung Quốc trở thành trung gian hòa giải trong cuộc xung đột, đã đáp lại bằng cách nói rằng ông hy vọng Moscow và Kiev có thể tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt.

“Các cuộc đàm phán hòa bình nên nối lại càng sớm càng tốt”, ông Tập nói, cho biết rằng Trung Quốc cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình và giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine, và sẵn sàng cùng Pháp đưa ra lời kêu gọi chung đối với cộng đồng quốc tế “giữ lý trí, kiềm chế và tránh thực hiện các hành động có thể khiến cuộc khủng hoảng ngày càng xấu đi hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết “mối quan ngại về an ninh chính đáng của tất cả các bên” nên được xem xét, ám chỉ lập luận của Moscow rằng họ mở chiến dịch ở Ukraine vì sự mở rộng về phía Đông của NATO, liên minh quân sự Mỹ-châu Âu.

Trong các cuộc hội đàm trước đó, ông Macron đã kêu gọi ông Tập “khiến Nga tỉnh táo lại và đưa mọi người trở lại bàn đàm phán”.

“Chúng ta cần tìm kiếm một nền hòa bình lâu dài”, Tổng thống Pháp nói. “Tôi tin rằng đây cũng là một vấn đề quan trọng đối với Trung Quốc”.

Quang cảnh hội đàm ba bên giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ở Bắc Kinh ngày 6/4/2023. Ảnh: DW

Cùng đi với ông Macron tới Trung Quốc là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, nhằm thể hiện sự đoàn kết của châu Âu.

Bà von der Leyen cho biết, bà đã khuyến khích ông Tập điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, và nhà lãnh đạo Trung Quốc “nhắc lại rằng ông ấy sẵn sàng nói chuyện khi có điều kiện và thời điểm thích hợp”.

“Tôi nghĩ đây là một yếu tố tích cực”, bà von der Leyen nhận xét.

Ông Macron đến Bắc Kinh hôm 5/4 với nhiều kỳ vọng về một bước đột phá có thể có trong việc hợp tác với Trung Quốc để tìm giải pháp chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.

Không rõ liệu các tuyên bố bổ sung đề cập đến cuộc xung đột có được đưa ra trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp hay không.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay tại một lễ ký kết ở Đại lễ đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 6/4/2023. Ảnh: CNN

Mặc dù vấn đề Ukraine đứng đầu chương trình nghị sự, nhưng chuyến đi của ông Macron cũng chú ý nhiều đến khía cạnh kinh tế, với việc Tổng thống Pháp mang tới Trung Quốc một phái đoàn gồm khoảng 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Hôm 5/4, chính phủ Pháp và Trung Quốc đã công bố các thỏa thuận, bao gồm việc một công ty Trung Quốc mua 160 máy bay Airbus, và các công ty của hai bên hợp tác phát triển năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và nhiên liệu sinh học.

Minh Đức (Theo AP, CNN, Xinhua)