Thế giới

Ông Putin sẽ họp lần đầu với ông Tập, ông Modi kể từ binh biến Wagner

Hội nghị lần này sẽ là cơ hội để Tổng thống Putin trấn an các đối tác của mình sau cuộc binh biến ngắn ngủi mà thủ lĩnh nhóm Wagner, Yevgeny Prigozhin phát động.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh đa phương đầu tiên kể từ sau cuộc nổi loạn vũ trang của nhóm Wagner làm rung chuyển nước Nga. Sự kiện này cũng có sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Các nhà lãnh đạo sẽ nhóm họp trực tuyến vào ngày 4/7 để dự Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một nhóm an ninh do Nga và Trung Quốc thành lập để đối trọng với các liên minh phương Tây từ Đông Á đến Ấn Độ Dương.

Sự kiện năm nay được tổ chức bởi Ấn Độ, quốc gia đã trở thành thành viên vào năm 2017. Đây là con đường mới nhất để ông Modi thể hiện tầm ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của quốc gia Nam Á.

Cho đến nay, SCO tập trung vào tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh, chống khủng bố và buôn bán ma túy, giải quyết biến đổi khí hậu và tình hình ở Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền vào năm 2021.

Khi Ngoại trưởng các nước thành viên SCO gặp nhau ở Ấn Độ vào tháng trước, xung đột Nga-Ukraine hầu như không được nhắc đến trong chương trình nghị sự của họ, thay vào đó là các mối quan tâm về an ninh lương thực và an ninh năng lượng.

Hồi tháng 5, Ấn Độ thông báo rằng Hội nghị Thượng đỉnh SCO sẽ được tổ chức trực tuyến thay vì trực tiếp như năm ngoái ở Samarkand, Uzbekistan, nơi ông Putin đã chụp ảnh và ăn tối với các nhà lãnh đạo khác.

Các thành viên của nhóm Wagner chuẩn bị rút khỏi trụ sở của Quân khu phía Nam ở Rostov-on-Don để trở về căn cứ của họ, ngày 24/6/2023. Ảnh: GZero Media

SCO bao gồm 4 quốc gia Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, trong một khu vực mà Nga có ảnh hưởng sâu sắc. Những quốc gia thành viên khác bao gồm Pakistan (gia nhập năm 2017) và Iran - quốc gia sẽ gia nhập nhóm vào ngày 4/7. Belarus cũng đang chờ để trở thành thành viên.

Không quốc gia thành viên SCO nào lên án Nga trong các nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ), thay vào đó lựa chọn bỏ phiếu trắng. Trung Quốc đã cử phái viên làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, còn Ấn Độ đã nhiều lần kêu gọi giải quyết xung đột một cách hòa bình.

Theo ông Tanvi Madan, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings, hội nghị lần này sẽ là cơ hội để ông Putin trấn an các đối tác của mình sau vụ binh biến kéo dài 36 giờ mà thủ lĩnh nhóm Wagner, Yevgeny Prigozhin, phát động ở Nga hôm 24/6.

“Ông Putin sẽ muốn trấn an các đối tác của mình rằng ông ấy vẫn đang nắm quyền và không có gì phải nghi ngờ rằng những thách thức đối với chính phủ của ông ấy đã bị dập tắt”, ông Madan nói.

Trước đó, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ hôm 30/6, ông Putin đã thông báo về những diễn biến gần đây ở Nga, trong khi ông Modi hiểu và ủng hộ các hành động quyết đoán của giới lãnh đạo Nga nhằm bảo vệ luật pháp và trật tự, đảm bảo ổn định trong nước và an ninh của người dân, theo một tuyên bố của Điện Kremlin về cuộc điện đàm.

Mối quan hệ của Ấn Độ với Moscow vẫn bền vững trong suốt cuộc xung đột ở Ukraine, Nước này đã mua được lượng dầu thô kỷ lục từ Nga và phụ thuộc vào Moscow để có 60% phần cứng quốc phòng. Đồng thời, Mỹ và các đồng minh của Washington đã tích cực “quyến rũ” Ấn Độ, quốc gia mà họ coi là đối trọng quan trọng với Trung Quốc.

Ưu tiên chính của Ấn Độ tại diễn đàn là cân bằng mối quan hệ với phương Tây và phương Đông, với việc Delhi cũng đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu (G20) vào tháng 9 tới.

Minh Đức (Theo AP, Indian Express)