Tiêu điểm thế giới

Ông Putin "đắc ý" về vắc xin Nga, Phương Tây "đã thích lại còn ngại"

Với các đối thủ của Nga, việc lựa chọn vắc xin Sputnik V là một tình huống khó xử. Họ vừa muốn có vắc xin nhưng không muốn trao chiến thắng cho ông Putin.

Vắc xin Nga đang ngày càng chứng minh được tính hiệu quả.

Sputnik V trỗi dậy

Ban đầu bị các nước phương Tây bác bỏ và chế giễu, vắc xin Sputnik V của Nga đã nhanh chóng chứng tỏ được tính hiệu quả và trỗi dậy như một công cụ ảnh hưởng mạnh mẽ ở nước ngoài của Tổng thống Vladimir Putin.

“Người Nga hẳn sẽ cảm thấy rất tự hào về những gì đang diễn ra”, Judy Twigg, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Virginia Commonwealth nhận định với CBC.

"Điện Kremlin đang gặp rất nhiều vấn đề trong các lĩnh vực khác nhưng họ đang có một chiến thắng không hề được lên kế hoạch trước”.

Vắc xin Sputnik V được đặt theo tên vệ tinh đầu tiên được đưa vào vũ trụ gần 70 năm trước, nhằm gợi lại những hình ảnh lịch sử hào hùng của nước Nga. Đã có nhiều hoài nghi về hiệu quả của vắc xin khi Nga cho phép sử dụng rộng rãi trước khi hoàn thành đầy đủ các giai đoạn của thử nghiệm lâm sàng.

Tuy nhiên, một bước ngoặt quan trọng đã đến vào tuần trước khi các thử nghiệm Giai đoạn 3 của Sputnik V đã được xác nhận bởi tạp chí y khoa Lancet.

Tạp chí uy tín này xác nhận vắc xin an toàn và hiệu quả. Trong khi Sputnik V vấp phải sự chỉ trích vì "thiếu minh bạch" và “hấp tấp” thì hãng sản xuất vắc-xin là Trung tâm Dịch tễ học và Vi sinh Quốc gia Gamaleya của Moscow trên thực tế đã chứng minh họ đảm bảo các nguyên tắc khoa học vững chắc.

Với giá khoảng 10 USD cho mỗi liều tiêm hai mũi, vắc xin này chỉ bằng một nửa giá của vắc xin Pfizer-BioNTech và có thể được bảo quản ở –2 C, trong khi vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna yêu cầu nhiệt độ lạnh hơn nhiều.  

Kể từ bài báo của Lancet, nhiều tin tức tích cực về vắc xin của Nga đã được đăng tải, đặc biệt với việc truyền hình Nga chiếu hình ảnh các lô vắc xin được đưa lên máy bay của Aeroflot, sẵn sàng giao cho các quốc gia trên khắp Nam Mỹ, Trung Đông và Trung Á.

Chính phủ Nga cho biết có tới 30 quốc gia đã mua vắc xin hoặc thể hiện sự quan tâm.  

Ngay cả khái niệm bán vắc xin cho các quốc gia ở châu Âu giờ đây cũng không phải là điều viển vông.

Hôm 8/2, hội đồng 27 thành viên của Liên minh châu Âu thông báo Nga đã đệ trình chính thức để phê duyệt Sputnik V và quá trình xem xét có thể bắt đầu trong thời gian ngắn. 

Hungary cho đến nay là quốc gia EU duy nhất công bố kế hoạch sử dụng vắc xin Nga. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên khác cho biết vẫn dè dặt về các động cơ chính trị đằng sau sự quảng bá vắc xin của Nga.

Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte thậm chí còn bày tỏ quan ngại về bước đột phá vắc xin của Nga. Cả Canada và Mỹ đều không bày tỏ sự quan tâm đến việc xem xét vắc xin của Nga.

Tiến thoái lưỡng nan

Nhiều quốc gia không lựa chọn vắc xin Nga vì lý do chính trị.

Theo chuyên gia Twigg, với các đối thủ của Nga, việc lựa chọn có sử dụng Sputnik V hay không là một tình thế khó xử.

“Bạn không muốn trao cho ông Putin một chiến thắng chính trị. Mặt khác, bạn cần vắc xin cho người dân của bạn”, ông nhấn mạnh.

Câu hỏi có nên sử dụng Sputnik V hay không đặc biệt đau đầu đối với nước láng giềng thân cận nhất của Nga, Ukraine, một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Âu và vẫn chưa triển khai chiến dịch tiêm chủng hàng loạt.

Tuy nhiên, Ukraine, quốc gia có gần 1,3 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 25.000 ca tử vong, đã thông qua luật cấm Sputnik V vì ý tưởng sử dụng vắc-xin do Nga sản xuất là điều không phù hợp với chính trị trong nước.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trong tuần này thông báo đất nước của ông sẽ bắt đầu nhận những đợt giao hàng 8 triệu liều đầu tiên thông qua chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới vào cuối tháng này, cũng như các loại vắc xin mua từ Vương quốc Anh và Trung Quốc.

Ở những nơi ít ảnh hưởng bởi địa chính trị, những yếu tố xoay quanh, hoặc chỉ đơn giản là thiếu các lựa chọn thay thế, vắc xin Nga lại có chỗ đứng quan trọng.

Nga đã vận chuyển 10.000 liều Sputnik V đến Palestine trong tuần này, cho phép bắt đầu chiến dịch tiêm chủng hàng loạt cho 4,5 triệu cư dân của Bờ Tây và Gaza.

"Chúng tôi không quan tâm đến các vấn đề chính trị. Chúng tôi phải bảo vệ dân số của mình chống lại đại dịch và virus này", Tiến sĩ Ali Abed Rabbo, giám đốc y tế dự phòng của Palestine cho biết.

Một trong những điều trớ trêu trái ngược với thành công quốc tế của Sputnik V là những người bên ngoài nước Nga lại tin tưởng về hiệu quả của vắc xin hơn những người ở trong nước.

Trung tâm Levada, một tổ chức khảo sát và nghiên cứu độc lập, hồi đầu tháng này cho biết chỉ có 38% người Nga sẵn sàng tiêm vắc xin, trong đó nhiều người nói rằng họ sợ tác dụng phụ, không tin tưởng vào nhà sản xuất vắc xin Nga hoặc chỉ đơn giản là không muốn sử dụng bất kỳ loại vắc xin nào.

Trong một nỗ lực để khắc phục tình trạng e ngại này, các phòng tiêm vắc xin lưu động đã được thành lập tại nhiều địa điểm xung quanh thủ đô Moscow, với các quy trình tiêm vắc xin đơn giản, miễn phí và chỉ cần chờ đợi trong chốc lát.

Một trong những điểm nổi tiếng nhất là tại trung tâm thương mại xa hoa GUM trên Quảng trường Đỏ.

Chia sẻ với CBC, Maria Anikina nói rằng những người bạn sống ở Vancouver của cô rất ghen tị vì họ không thể tin rằng việc tiêm phòng ở Nga lại dễ dàng như vậy.

"Họ cũng muốn tiêm vắc xin nhưng theo tôi biết giờ chưa phải lúc thực hiện ở Canada”, Anikina nói.